December 22, 2021 | 06:00 GMT+7

Chuyển đổi số trong ngành gỗ thiếu bài bản và tự phát

Chu Khôi -

Xuất khẩu đồ gỗ đã có những bứt phá trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, đại dịch trên thế giới đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, tạo áp lực, thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới và cải tiến ở tất cả các khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, trong đó số hóa là yếu tố then chốt...

Sản xuất đồ gỗ chuyển đổi số còn chậm.
Sản xuất đồ gỗ chuyển đổi số còn chậm.

Thế nhưng, tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ: Thực trạng, mức độ sẵn sàng và giải pháp” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cùng với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu lâm sản Việt Nam (Viforest) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức ngày 15/12/2021, các chuyên gia cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện các hoạt động chuyển đổi số dưới diện tự phát, chưa bài bản.

ÁP LỰC PHẢI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo số liệu của Viforest, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 11/2021 đạt 1,15 tỷ USD, tăng 20,9% so tháng 10/2021, nhưng giảm 7,4% so với tháng 11/2020. Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Chuyển đổi số trong ngành gỗ thiếu bài bản và tự phát - Ảnh 1

Động lực tăng trưởng của ngành gỗ tập trung lớn vào nhóm hàng đồ nội thất. Trị giá xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 67,6% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2021, đạt 8,2 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đến thời điểm tháng 12/2021, tình hình sản xuất đã trở lại bình thường và các doanh nghiệp ngành gỗ đang tăng tốc sản xuất để kịp đơn hàng xuất khẩu đã ký. Dự tính cả năm 2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 14,5 tỷ USD.

 

"Sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, tạo áp lực và thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới và cải tiến ở tất cả các khâu, từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, trong đó số hóa là yếu tố then chốt”.

Ông Amit Sharma, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu mức độ sẵn sàng chuyển đổi số ngành gỗ Việt Nam.

Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số ngành chế biến gỗ do HAWA phối hợp với Ban IV thực hiện dưới sự hỗ trợ của Quỹ châu Á tại Việt Nam, cho thấy gần 58% người được hỏi xác nhận rằng công ty họ có chiến lược số, gần 80% người được hỏi xác nhận rằng chuyển đổi số là cốt lõi trong việc triển khai kinh doanh chiến lược của họ trong tương lai, gần 70% người được hỏi xác nhận nhóm lãnh đạo của họ có kỹ năng cần thiết để thực hiện chuyển đổi số. Có 71% người đã sử dụng thương mại điện tử và thanh toán số, gần 12% sử dụng Internet vạn vật dưới một số hình thức.

Khảo sát cũng chỉ ra, nhu cầu tăng năng suất và chuyển đổi công ty là lý do số một được doanh nghiệp đưa ra để bắt đầu quá trình chuyển đổi số; lý do số hai là tăng doanh thu, giảm chi phí và tìm kiếm thị trường mới.

Ông Amit Sharma, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu mức độ sẵn sàng chuyển đổi số ngành gỗ Việt Nam, cho biết Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước.

Chuyển đổi số trong ngành gỗ thiếu bài bản và tự phát - Ảnh 2

Lâm sản là một trong số ít các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị do Covid-19 ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, về lâu dài, ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc doanh nghiệp ngành gỗ sẽ phải tìm hướng đi mới. 

DOANH NGHIỆP VẪN CÒN DÈ DẶT

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific, cho biết sản xuất gỗ có không ít thử thách về công nghệ, nguyên vật liệu, đòi hỏi sự kiểm soát đồng bộ hóa cao. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp kiểm soát sự đồng bộ nhanh chóng, chính xác nhất, đồng thời kiểm soát chi phí trong sản xuất.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho rằng, chuyển đổi số còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp. Trên thị trường hiện nay có nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị tư vấn về chuyển đổi số. Doanh nghiệp nên đi nghe nhiều, hỏi nhiều, xin một số lời khuyên, từ đó có lựa chọn riêng phù hợp cho mình, bởi không có đáp án nào chung cho mọi doanh nghiệp.

Nêu lên thực tế quá trình chuyển đổi số của ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA nhận định doanh nghiệp chưa thực sự tích cực, có điều gì đó dè dặt trong hành động. So với các nước đang phát triển như Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Việt Nam vẫn đang ở phía sau khá nhiều.

 
"Trong bản đồ xuất khẩu gỗ thế giới, ngành gỗ Việt có vị trí tương đối nhưng sự đóng góp của chuyển đổi số, công nghệ cao vào kết quả này chưa nhiều, chưa làm thay đổi cục diện của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam".
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, đại diện Văn phòng Chuyển đổi số (Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu khảo sát nhu cầu thực tiễn và thấy rằng hiện nay đang có 4 thách thức trong chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Thứ nhất, doanh nghiệp có khoảng cách về năng lực triển khai chuyển đổi số. 

Thứ hai, khoảng cách thị trường, thông tin về giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. 

Thứ ba, khoảng cách về tài chính triển khai các giải pháp chuyển đổi số. 

Thứ tư, khoảng cách về thể chế, chính sách.

Theo đánh giá của đại diện Văn phòng Chuyển đổi số, qua gần một năm triển khai, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã bước đầu thu hẹp khoảng cách, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp khi sử dụng tư vấn, thuê, mua giải pháp chuyển đổi số. Trong năm 2022, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ mở rộng ở những ngành hàng cụ thể thay vì chỉ xây dựng chương trình chung cho doanh nghiệp.

 
 
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest)
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest)

Mặc dù các doanh nghiệp ngành gỗ ra đời từ lâu, nhưng năng lực quản trị của các doanh nghiệp ngành gỗ còn thấp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong hệ thống quản trị còn rất non trẻ. 

Trong ngành đã có nhiều doanh nghiệp có doanh số hàng năm lên đến hàng tỷ USD, hy vọng sẽ bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để nâng cao năng lực, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành. Trong thời gian tới, các Hiệp hội Ngành gỗ sẽ tổ chức diện rộng cho các doanh nghiệp để đưa nội dung chuyển đổi số phát triển, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trên nền tảng công nghệ 4.0 và nền tảng quản trị doanh nghiệp.

 
 
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

"Dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc tương tác lẫn nhau trong chuỗi cung ứng cũng như tương tác với khách hàng để thúc đẩy hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu.

Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp ngành gỗ tìm cách vận hành chuỗi cung ứng trong bối cảnh giãn cách và nhiều khu vực bị phong tỏa. Tiếp đến, họ cố gắng tương tác với khách hàng vì khách hàng ở nhiều nước trên thế giới, không thể đi lại trực tiếp. Tuy nhiên, việc này vẫn mang tính tự phát và mới nằm ở các doanh nghiệp có tính tích cực cao, chưa phải là sự lan tỏa đồng đều đến mọi doanh nghiệp ngành gỗ".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate