December 12, 2022 | 13:08 GMT+7

Có hiện tượng “trá hình” trong cấp giấy phép lưu hành xe quá tải

Anh Tú -

Liên quan đến việc cấp phép lưu hành xe quá tải trọng, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ thực tế có hiện tượng “trá hình” trong việc cấp giấy phép lưu hành cùng việc các đơn vị, sở giao thông vận tải cấp phép sai quy định...

Sẽ thành lập đoàn thanh tra, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị thực hiện không đúng quy định về cấp giấy phép lưu hành xe.
Sẽ thành lập đoàn thanh tra, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị thực hiện không đúng quy định về cấp giấy phép lưu hành xe.

Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường vừa chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về công tác kiểm soát tải trọng xe, cấp phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TỪ CHỦ XE, CHỦ HÀNG

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Hồng Điệp, Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, cho biết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải; sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, cùng phối hợp triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành của các doanh nghiệp vận tải, các chủ xe, lái xe, chủ hàng.

 

"Các cảng biển lớn tại TP. Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát chặt chẽ tình trạng xe chở hàng quá tải ra vào cảng và xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng", đại diện Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông,  Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ bản vẫn được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, các lực lượng thanh tra giao thông, công chức Thanh tra các Khu Quản lý đường bộ đã khắc phục khó khăn về điều kiện làm việc, biên chế, kinh phí, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm.

Đồng thời, thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa; góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.

Qua theo dõi kết quả, báo cáo của các Khu Quản lý đường bộ và phản ánh về đường dây nóng của Cục Đường bộ Việt Nam, đa số địa phương vẫn duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, kiềm chế tái diễn tình trạng xe chở hàng quá tải và xe vi phạm kích thước thùng hàng.

SẼ THANH TRA ĐỘT XUẤT VIỆC CẤP GIẤY PHÉP LƯU HÀNH

Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đánh giá thời gian qua đã triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng xe, cấp giấy phép lưu hành xe. Cục đã chỉ đạo, đôn đốc các Khu Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc, hạn chế hiện nay, đó là xuất phát từ tình hình thực tế và qua thời gian triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe, cấp giấy phép lưu hành xe đã gặp một số vấn đề, ý kiến xoay quanh việc cấp giấy phép xe lưu hành xe quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng.

 

"Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số hiện tượng “trá hình” trong việc cấp giấy phép lưu hành xe, gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như gây áp lực cho cơ quan cấp giấy phép xe lưu hành xe", Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu thực tế.

Lý giải về hiện tượng này, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho biết một số cơ quan được cấp phép như các Khu Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải có tâm lý ngại, quá thận trọng trong việc này, nên gây ra một số khó khăn cho các doanh nghiệp.

Do đó, cần phải có giải pháp vừa thông thoát, vừa đúng quy định của pháp luật nhưng không gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.

"Công tác cấp giấy phép lưu hành xe và công tác kiểm soát tải trọng xe là vấn đề nhạy cảm và là nhiệm vụ rất quan trọng đối với Cục Đường bộ Việt Nam", Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Chính vì vậy, trong công tác quản lý điều hành hàng ngày cần phải thường xuyên nắm bắt thông tin để có điều chỉnh, giải pháp cho phù hợp, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội.

Cùng với đó, vẫn còn một số đơn vị, một số sở giao thông vận tải trong quá trình cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng còn chưa đúng quy định.

Do đó, trong thời gian tới, các Khu Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải phải thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, 

Cục trưởng cũng giao Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu để Cục ban hành văn bản gửi các Sở Giao thông vận tải, các Khu Quản lý đường bộ rà soát lại hiện tượng cấp giấy phép lưu hành xe không đúng quy định để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Đồng thời, Cục trưởng giao Phòng Pháp chế, Thanh tra tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, thành lập đoàn Thanh tra, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị thực hiện không đúng quy định về cấp giấy phép lưu hành xe.

CẦN GIẢM ÁP LỰC CHO ĐƯỜNG BỘ

Ngoài ra, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện có 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không), trong đó đường bộ là phương thức vận tải linh hoạt, thân thiện nhất.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần phải kết nối cả 5 phương thức vận tải này để đảm bảo vấn đề xe siêu trường, siêu trọng, tránh gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.

“Cục Đường bộ Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; đồng thời, kiến nghị bộ có giải pháp tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải để giảm áp lực cho đường bộ, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, giảm nguy cơ tai nạn giao thông”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị.

Cục trưởng cũng đề nghị cần đẩy nhanh tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải. 

Đồng thời, khuyến cáo đối với quãng đường từ 300km trở lên nên kết nối đi đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải. 

"Chúng ta có hệ thống đường sắt nhưng sử dụng để giảm tải cho đường bộ chưa hiệu quả, nhất là tuyến chuyên chở hàng hóa. Các tuyến vận tải đường bộ bằng xe container, xe vận chuyển hàng hóa trọng tải lớn còn nhiều, là nguyên nhân khiến chất lượng hệ thống đường bộ giảm chất lượng", ông Cường nhìn nhận.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate