November 07, 2023 | 12:00 GMT+7

Cổ phiếu blue-chips hạ nhiệt, thị trường giằng co, thanh khoản rất thấp

Kim Phong -

Chỉ duy nhất vài phút giữa phiên VN-Index “trồi” lên trên ngưỡng tham chiếu, còn tổng thể cả phiên sáng là nhịp điều chỉnh được xác nhận bằng cả mặt bằng giá cổ phiếu lẫn chỉ số. VN-Index chốt giảm 0,5% dưới sức ép của nhóm VN30 giảm 0,68%. Thanh khoản sàn HoSE tụt xuống mức thấp nhất 6 phiên...

Thanh khoản quá thấp khiến cổ phiếu giằng co là chính.
Thanh khoản quá thấp khiến cổ phiếu giằng co là chính.

Chỉ duy nhất vài phút giữa phiên VN-Index “trồi” lên trên ngưỡng tham chiếu, còn tổng thể cả phiên sáng là nhịp điều chỉnh được xác nhận bằng cả mặt bằng giá cổ phiếu lẫn chỉ số. VN-Index chốt giảm 0,5% dưới sức ép của nhóm VN30 giảm 0,68%. Thanh khoản sàn HoSE tụt xuống mức thấp nhất 6 phiên.

Toàn bộ 10 cổ phiếu ảnh hưởng xấu nhất tới VN-Index đều là các mã trong nhóm VN30. Dẫn đầu là VCB giảm 1,12%, VNM giảm 1,55%, VIC giảm 1,31%, VHM giảm 0,98%, TCB giảm 1,29%.

Rổ blue-chips này kết phiên sáng chỉ còn 5 mã tăng nhưng tới 22 mã giảm, trong đó 10 mã giảm trên 1%. Khá may mắn là trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, mới có VCB, VIC và VNM là giảm sâu quá 1%. GAS vẫn còn tăng 0,76%, VPB tăng 0,24%, CTG và BID tham chiếu. Do vậy mức giảm ở điểm số mới là 5,42 điểm và VN-Index vẫn chưa tạo đáy sâu nhất.

Nhóm blue-chips trong vài ngày qua dẫn dắt nhịp phục hồi của thị trường và hôm nay bắt đầu hạ nhiệt khá rõ. Dĩ nhiên mới chỉ có giao dịch buổi sáng nên vẫn chưa hoàn toàn xác nhận trạng thái suy yếu, nhưng dòng tiền vào đang giảm mạnh. Thanh khoản rổ VN30 sáng nay mới đạt chưa tới 1.532 tỷ đồng, giảm 27% so với sáng hôm qua và thấp nhất 6 phiên. Thậm chí trong Top 20 mã thanh khoản nhất thị trường, chỉ có 5 mã thuộc rổ này.

Thanh khoản xuống rất thấp và đa số blue-chips quay đầu giảm cho thấy sức mua đã tạm thời chững lại. Lợi nhuận khá tốt ở nhiều cổ phiếu nhóm này đang khiến người mua lưỡng lự, dù lực bán cũng nhẹ. Hiện sự thận trọng của dòng tiền là vấn đề chính, còn xu hướng chủ đạo của bên cầm cổ là giao dịch nhỏ.

Thị trường chung cũng đang cho thấy nhu cầu mua giảm và lực đỡ vùng giá xanh không nhiều. Gần như trọn phiên số lượng cổ phiếu giảm giá luôn áp đảo số tăng. Thời điểm VN-Index đạt đỉnh tăng gần 0,2 điểm lúc 10h34, độ rộng khá nhất với 202 mã tăng/200 mã giảm. Tuy nhiên đến cuối phiên sáng HoSE chỉ còn 134 mã tăng/309 mã giảm.

Diễn biến chỉ số VN-Index sáng nay.
Diễn biến chỉ số VN-Index sáng nay.

Bù lại hiện cũng mới có 91 cổ phiếu giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 28,2% tổng giá trị khớp sàn HoSE và cũng chỉ có 24 mã giao dịch được trên 10 tỷ đồng. Đây vẫn là tín hiệu đồng thuận với quan điểm thị trường đang điều chỉnh trên cơ sở giảm cầu hơn là bán quá mạnh. Phía tăng giá cũng kém, chỉ có 46 mã tăng trên 1% và thanh khoản chiếm 15,5% tổng giao dịch sàn. Như vậy bên tăng giá cũng chủ yếu là các cổ phiếu ít thanh khoản nên có khả năng điều tiết về giá hơn là có cầu đỡ mạnh.

Một số cổ phiếu đang đi ngược thị trường với độ tin cậy thanh khoản khá tốt là CTD tăng 5,28%, giao dịch 157,7 tỷ đồng; PC1 tăng 3% với 47,2 tỷ; PVT tăng 2,92% với 72,7 tỷ; DCM tăng 2,56% với 81,9 tỷ; PVD tăng 1,93% với 97,2 tỷ; DBC tăng 1,79% với 47,5 tỷ; HAG tăng 1,69% với 42,5 tỷ…

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng giao dịch rất chậm, tổng giá trị giải ngân ở HoSE mới đạt 343,8 tỷ đồng, giảm 43% so với sáng hôm qua. Bán ra đạt 357,1 tỷ giảm 33%. Phía mua ròng chỉ có GMD +42,7 tỷ và HPG +22,3 tỷ là đáng kể. Phía bán chỉ có STB, VRE, VNM, MWG quanh 10 tỷ đồng ròng.

Hiện thị trường đang trong trạng thái chờ đợi khả năng đạt đỉnh của nhịp phục hồi ngắn hạn, nhưng không bên nào hành động một cách dứt khoát. Bên mua dĩ nhiên có lý do để chờ và không cần quá hăng hái. Tuy nhiên bên bán cũng “gan lỳ” với các giao dịch rất nhỏ. Điều này dẫn đến các nhịp dao động trong phiên biên độ hẹp mà thanh khoản rất kém. Điểm số chủ yếu thay đổi do tác động của các cổ phiếu trụ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate