October 31, 2023 | 15:58 GMT+7

Cổ phiếu lại giảm sàn la liệt, VN-Index chốt tháng 10 tồi tệ

Kim Phong -

Đợt bán tháo mới lại xuất hiện trong phiên chiều, quét sạch những nỗ lực phục hồi buổi sáng và đẩy thị trường chốt phiên ở sát ngưỡng thấp nhất ngày. VN-Index bốc hơi 14,21 điểm tương đương -1,36% và chốt tháng 10 ở ngưỡng 1028,19 điểm. Tính chung cả tháng, thị trường bốc hơi 10,91%, là tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022...

VN-Index lại bổ nhào từ sau 2h chiều.
VN-Index lại bổ nhào từ sau 2h chiều.

Đợt bán tháo mới lại xuất hiện trong phiên chiều, quét sạch những nỗ lực phục hồi buổi sáng và đẩy thị trường chốt phiên ở sát ngưỡng thấp nhất ngày. VN-Index bốc hơi 14,21 điểm tương đương -1,36% và chốt tháng 10 ở ngưỡng 1028,19 điểm. Tính chung cả tháng, thị trường bốc hơi 10,91%, là tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022.

Như vậy thị trường đã rơi vào nhịp điều chỉnh kéo dài 2 tháng và VN-Index bốc hơi từ đỉnh cao nhất 1.255,11 điểm ngày 7/9 tới hôm nay tới gần 227 điểm, tương đương -18,1%. Đây là mức điều chỉnh ngắn hạn rất sốc khi ngưỡng điều chỉnh quanh 20% thường là xu hướng giảm trung hạn và trải qua các nhịp phục hồi mạnh cũng như trong thời gian dài hơn. Mặt khác mức điều chỉnh lớn như vậy thường đi liền với các biến động vĩ mô.

Thị trường phiên chiều nay bị bán mạnh chủ đạo từ 2h trở đi, khi lượng cổ phiếu về chịu sức ép cắt lỗ. Từ 2h10 VN-Index đã giảm thấp hơn đáy phiên sáng và thanh khoản tăng cao. Tính riêng phiên chiều HoSE khớp thêm 8.415 tỷ đồng nữa, tăng 61% so với phiên sáng. Tính cả HNX, thanh khoản hai sàn buổi chiều tăng gần 63% so với phiên sáng, đạt hơn 9.561 tỷ đồng.

Đáng tiếc mức thanh khoản tăng mạnh này là do nhà đầu tư bán tháo giá thấp. HoSE chứng kiến tới 41 cổ phiếu giảm kịch biên độ. Trên cả 3 sàn, con số lên tới 60 mã. Chỉ riêng nhóm giảm sàn đã có cả chục cổ phiếu thanh khoản hàng trăm tỷ đồng như MWG, GEX, PDR, VCI, PVT, HAH, DGW, DPM… Điều này xác nhận sức ép là rất lớn.

Không chỉ vậy, sàn HoSE kết phiên có 39 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ thì 23 mã giảm quá 2%, chỉ có 6 mã tăng là MSN, VPB, VNM, MBB, VJC và VCB. Thực ra nhóm VN30 giao dịch không kém, vẫn có 10 mã tăng/16 mã giảm và VN30-Index giảm 0,79%. Nhiều cổ phiếu ngân hàng trong rổ này vẫn xanh như SSB tăng 1,78%, VIB tăng 1,7%, VCB tăng 1,05%, MBB tăng 0,59%... VPB, CTG, ACB hay OCB, LPB, BVB cũng trên tham chiếu.

VN-Index bị ảnh hưởng nặng nề nhất là từ SAB giảm 6,74%, GVR giảm 6,11%, MWG giảm 6,91%, BID giảm 1,95%, VIC giảm 2,41%. Các cổ phiếu này lại không có trọng số lớn trong VN30-Index.

Các cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường hầu hết giảm giá sâu.
Các cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường hầu hết giảm giá sâu.

Dù vậy mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay là rất thấp, chưa kể độ rộng chỉ còn 66 mã tăng/448 mã giảm. Chốt phiên sáng VN-Index mới có 10 mã giảm sàn, đóng cửa lên tới 41 mã. Ngoài nhóm giảm sàn, số giảm trên 1% ở HoSE buổi sáng là 120 mã, kết phiên là 190 mã. Midcap giảm 2,75%, Smallcap giảm 2,83% cho thấy áp lực ở nhóm đầu cơ đang dâng cao. Rổ blue-chips chỉ có MWG đóng góp vào nhóm giảm sàn, còn lại toàn các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Nếu coi số lượng cổ phiếu giảm sàn là một chỉ báo tâm lý thì thị trường đang lặp lại nhịp bán tháo thứ ba trong vòng 2 tuần gần đây. Trước đó thị trường đã liên tục có những phiên lên tới cả trăm mã giảm sàn. Thanh khoản trong các phiên như vậy đều tăng cao. Điểm tích cực là giá giảm sâu sẽ có lực cầu vào mua nhiều hơn. Hôm nay giao dịch khớp lệnh HoSE và HNX khoảng 15,4 ngàn tỷ, vẫn chưa phải là đột biến như các phiên 22 và 25 ngàn tỷ trong 2 tuần trước, dù có tăng đáng kể so với mức trung bình. Ở giai đoạn thị trường điều chỉnh căng thẳng nhất, sức ép thua lỗ khiến nhu cầu bán tháo rất mạnh và cần một lượng tiền lớn vào đỡ mới có thể hấp thụ được.

Điểm tích cực nhỏ khác là khối ngoại đã có một phiên mua ròng 306,6 tỷ đồng trên sàn HoSE. VHM bị bán ròng 257,9 tỷ. Tuy nhiên khá nhiều cổ phiếu được mua tốt như HPG +94,4 tỷ, PVD +51,5 tỷ, DCM +50,7 tỷ, DGC +46,2 tỷ, KBC +39,8 tỷ, VIX +36,2 tỷ, VND +31,5 tỷ, VIC +26,7 tỷ, VCB +26,6 tỷ, VRE +24,9 tỷ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate