Dương Quang Châu thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII-HOSE).
Theo đó, ông Dương Quang Châu, Giám đốc phòng quản lý Dự án hạ tầng CII đăng ký bán toàn bộ 90.000 cổ phiếu CII để giảm sở hữu từ 0,03%, về 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 13/12/2023 đến ngày 11/1/2024 . Mục đích bán là để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Cùng ngày, CTCP Đầu tư Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), cổ đông lớn đồng thời là tổ chức có liên quan đến người nội bộ CII thông báo đăng ký bán 24.049.215 quyền mua theo phương thức đấu giá công khai hoặc thoả thuận trực tiếp, từ ngày 19/12 đến ngày 21/12/2023. Sau giao dịch, HFIC nắm giữ 24.049.215 cổ phiếu, chiếm 7,55% vốn tại CII.
Được biết, từ ngày 26/10 đến 28/12/2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM đang thực hiện nhận tiền mua trái phiếu chuyển đổi tỷ lệ 10:1, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu; kỳ hạn 10 năm; đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền; huy động 2.840,2 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động được sử dụng 1.200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu của Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận phát hành riêng lẻ; đầu tư 1.640,2 tỷ đồng vào trái phiếu do CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội phát hành riêng lẻ.
Ngày 25/12 tới đây, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông bất thường. Trong đó, nội dung trình cổ đông dự kiến thông qua điều chỉnh một số chỉ tiêu trong phương án phát hành của trái phiếu chuyển đổi gói 2 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 24/5/2023 và một số vấn đề khác phù hợp với tình hình thực tế.
Theo kế hoạch, cổ đông CII đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi ra công chúng với tổng mệnh giá 1.977,8 tỷ đồng; đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền; đối tượng cổ đông hiện hữu; tỷ lệ 20:1, cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu; kỳ hạn trái phiếu 10 năm; lãi suất cố định 10%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên, sau đó sẽ thả nổi với mức lãi suất bằng tổng 2,5%/năm cộng với lãi suất tham chiếu bình quân tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam.
Trong đó, số tiền thu được, Công ty sẽ dùng thanh toán trái phiếu CIIB2023009 (mệnh giá 500 tỷ đồng); thanh toán trái phiếu CIIB2124001 (mệnh giá 590 tỷ đồng); và góp vốn vào Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận, và/hoặc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận phát hành riêng lẻ, số vốn góp và/hoặc đầu tư tối đa là 1.200 tỷ đồng. Công ty cho biết sẽ linh hoạt sử dụng nguồn vốn phân bổ vào 3 mục đích nói trên và chưa công bố chi tiết kế hoạch sử dụng vốn cụ thể.
Mới đây CII cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận thay đổi nhà tài trợ tín dụng cho dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Qua đó, Ngân hàng Vietcombank sẽ tài trợ số tiền 6.942 tỷ đồng cho dự án nói trên. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT với mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII.
Kết thúc quý 3/2023, CII ghi nhận doanh thu đạt 732,07 tỷ đồng, giảm 66,5% so với cùng kỳ (2.184 tỷ) và lợi nhuận sau thuế đạt 96,23 tỷ đồng, tăng 86,2% so với cùng kỳ (51,67 tỷ).
Theo CII, lợi nhuận tăng so với cùng kỳ là do tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh các dự án BOT và lợi nhuận chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của CII đạt 2.323,4 tỷ đồng, giảm 40,3% so với cùng kỳ (3.891 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 214 tỷ đồng, giảm 74,9% so với cùng kỳ năm trước (852 tỷ).
Chốt phiên ngày 8/12, giá cổ phiếu CII giảm 1,14% xuống 17.400 đồng/cổ phiếu và tăng 34,36% từ đầu năm đến nay.