Theo thông tin từ Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị tích cực triển khai, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý rủi ro nhằm vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa nâng cao hiệu quả quản lý.
Đối với Chương trình Doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ, hiện cơ quan hải quan đã ký kết biên bản ghi nhớ với 295 doanh nghiệp tham gia chương trình. Riêng giai đoạn 2 (trong năm 2024), cơ quan hải quan ký kết biên bản ghi nhớ với 82 doanh nghiệp, tăng 38,5% về mặt số lượng doanh nghiệp thành viên so với năm 2022 và vượt 18,5% chỉ tiêu đề ra theo Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/01/2023 của Tổng cục Hải quan về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong năm 2023.
“Mức độ tuân thủ của nhiều doanh nghiệp thành viên so với thời điểm trước khi tham gia chương trình có sự cải thiện hoặc giữ mức độ tuân thủ ở mức 2 và mức 3. Từ năm 2023 đến nay, tình hình phân luồng tờ khai của các doanh nghiệp thành viên cải thiện so với trước khi tham gia chương trình vào năm 2022. Tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa giảm giúp các doanh nghiệp thành viên tiết kiệm kinh phí và giảm thời gian thông quan”, đại diện Cục Quản lý rủi ro đánh giá.
Cục Quản lý rủi ro cũng luôn theo dõi tình hình triển khai thực hiện kế hoạch kiểm soát rủi ro, chuyên đề kiểm soát rủi ro tại các cục hải quan tỉnh, thành phố; phân công cụ thể việc triển khai thực hiện kế hoạch đến các phòng tại Cục, phối hợp trao đổi thông tin để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát các hành vi vi phạm.
Kết quả trong 6 tháng từ đầu năm 2024, Cục Quản lý rủi ro phát hiện 4.972 vụ vi phạm liên quan đến các loại rủi ro, trị giá hàng vi phạm khoảng 5.876 tỷ đồng, trong đó, nhiều mặt hàng không xác định được trị giá. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 85,2 tỷ đồng; số thuế truy thu khoảng 243 tỷ đồng.
Điển hình là qua hoạt động xác định trọng điểm, cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với hàng hoá tuyến đường biển, phát hiện 152 lô hàng luồng xanh, vàng vi phạm.
Trong đó, địa bàn Hải Phòng phát hiện 69 lô hàng vi phạm tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế đạt hơn 2,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm đạt 47 tỷ đồng.
Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 51 lô hàng vi phạm, số tiền xử phạt và truy thu thuế tăng 911 triệu đồng.
Tại địa bàn cục hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 32 vụ vi phạm, xử phạt và truy thu 325 triệu đồng.
Trên cơ sở các dấu hiệu và phương thức thủ đoạn gian lận đối với hàng hoá quá cảnh Việt Nam để đi Lào và Campuchia, trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị phân tích, lựa chọn soi chiếu 1.226 container quá cảnh, từ đó đã phát hiện 7 container vi phạm.
Qua thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với hàng nhập khẩu có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường (tập trung nhóm mặt hàng phế liệu nhập khẩu), cơ quan hải quan phát hiện 66 lô hàng của 19 doanh nghiệp vi phạm với số tiền xử phạt khoảng 7,2 tỷ đồng về các hành vi như: nhập khẩu phế liệu không đáp ứng điều kiện nhập khẩu; nhập khẩu phế liệu không có giấy phép; sử dụng phế liệu nhập khẩu không đúng mục đích được miễn thuế…
Về nhiệm vụ giảm tỷ lệ luồng đỏ và theo dõi sát sao tình hình phân luồng, chuyển luồng tại cục hải quan các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro cho biết trong 6 tháng từ đầu năm 2024, tổng số tiêu chí được thiết lập hơn 183 nghìn chỉ số tiêu chí, toàn ngành đã phân luồng hơn 7,6 triệu tờ khai.
Trong đó, tờ khai luồng xanh chiếm 66,41%; tờ khai luồng vàng chiếm 30,20%; tờ khai luồng đỏ chiếm 3,39%. Số lượng tờ khai chuyển luồng từ đỏ sang vàng chiếm 1,19% tổng số tờ khai luồng đỏ. Từ việc chuyển luồng này phát hiện 2 vụ vi phạm, chiếm 0,08% tổng số tờ khai được chuyển luồng.
"Số lượng tờ khai chuyển luồng từ vàng sang đỏ chiếm 1,39% tổng số tờ khai luồng vàng. Trong đó, cơ quan hải quan phát hiện 969 vụ vi phạm, chiếm 3,14% tổng số tờ khai được chuyển luồng", Cục Quản lý rủi ro nêu rõ.
Về tình hình soi chiếu hàng hóa để nâng cao hiệu quả, hiệu suất soi chiếu, tăng tỷ lệ phát hiện vi phạm qua soi chiếu, Cục Quản lý rủi ro đã đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các cục hải quan tỉnh, thành phố đảm bảo hoạt động lựa chọn, kiểm tra soi chiếu hàng hóa được thông suốt, thống nhất trong toàn ngành.
Cụ thể, trong 6 tháng từ đầu năm 2024, toàn ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 76.013 cont (trung bình 703 cont/ngày); phát hiện nghi vấn 1.739 cont (chiếm 2,3% tổng cont soi chiếu), từ đó phát hiện 251 cont vi phạm (chiếm 14,43% tổng cont nghi vấn).
So với cùng kỳ năm 2023, tổng lượng container soi chiếu của toàn ngành tăng 13,6%. Các vi phạm chủ yếu là vận chuyển hàng cấm, khai sai chủng loại, sai số lượng và nhập hàng không khai báo, nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ, nhiều vụ vi phạm có trị giá hàng vi phạm lớn.