April 03, 2024 | 05:16 GMT+7

Công bố danh mục cảng biển Việt Nam

Xuân Nghi -

Danh mục mới nhất bến cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam vừa được Bộ Giao thông vận tải công bố, gồm 298 bến cảng. Các địa phương có số lượng bến cảng nhiều nhất lần lượt là: Hải Phòng (50 bến), Bà Rịa – Vũng Tàu (48 bến), TP.HCM (40 bến), Đồng Nai (18 bến), Khánh Hòa và Cần Thơ (17 bến)…

Danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam, theo Quyết định 323/QĐ-BGTVT ngày 29/3/2024, cả nước có 298 bến cảng.
Danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam, theo Quyết định 323/QĐ-BGTVT ngày 29/3/2024, cả nước có 298 bến cảng.

Trước đó, tại Quyết định số 1490/QĐ-BGTVT ngày 15/11/2023 công bố danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải công bố cả nước có 296 bến cảng, với 34 tỉnh thành trong cả nước có cảng, bến cảng.

Theo Quyết định số 323/QĐ-BGTVT ngày 29/3/2024 về công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam lần này, ở khu vực phía Bắc thì TP. Hải Phòng là địa phương có nhiều bến cảng nhất cả nước với 50 bến. Kế đến là Quảng Ninh 14 bến, Thanh Hóa 10 bến, Nam Định 3 bến, Thái Bình 2 bến.

Ở khu vực Miền Trung, tỉnh Khánh Hòa có nhiều bến cảng nhất với 17 bến. Tiếp đến là Đà Nẵng và Quảng Ngãi mỗi địa phương 8 bến, Nghệ An 7 bến, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi nơi 6 bến, Quảng Bình và Bình Định mỗi tỉnh 4 bến, Quảng Nam và Ninh Thuận mỗi tỉnh 3 bến, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế mỗi nơi 2 bến, Phú Yên 1 bến.

Tại khu vực phía Nam, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đứng đầu với 48 bến cảng. Kế đến là TP.HCM 40 bến, Đồng Nai 18 bến. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ 17 bến, Kiên Giang 4 bến, Long An 3 bến, Đồng Tháp 3 bến, Vĩnh Long 3 bến, Hậu Giang 3 bến, Tiền Giang 2 bến, Trà Vinh 2 bến, các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang và Cà Mau mỗi nơi 1 bến. Tỉnh Bình Dương có 1 bến là cảng tổng hợp (cảng sông) Bình Dương.

Hai bến cảng mới được bổ sung lần này là bến cảng chuyên dùng Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 ở Hậu Giang và bến cảng Khu dịch vụ công nghiệp Long Sơn ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài các bến cảng thuộc cảng biển và cảng sông nói trên, hiện nay Việt Nam còn có 14 bến cảng dầu khí ngoài khơi, gồm: Cảng dầu khí ngoài khơi mỏ Sư Tử Đen, mỏ Hồng Ngọc, mỏ Thăng Long- Đông Đô, mỏ Đại Hùng, mỏ Rạng Đông, mỏ Rồng Đôi, mỏ Tê Giác Trắng, mỏ Chim Sáo, mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt, mỏ Chí Linh, mỏ Vietsopetro 01, mỏ Vietsopetro 02, mỏ Sông Đốc và cảng dầu khí ngoài khơi Biển Đông.

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức hướng dẫn thực hiện quản lý, khai thác bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật, và hàng năm tổ chức cập nhật, trình Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trong tổ chức quản lý, khai thác và công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định.

Quyết định số 323/QĐ-BGTVT ngày 29/3/2024 thay thế Quyết định số 1490/Q Đ-BGTVT ngày 15/11/2023 của Bộ Giao thông vận tải về việc công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate