VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 21/3/2023.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/3, VN-Index giảm -22.04 điểm, đóng cửa 1023.1 điểm. HNX-Index giảm -2.85 điểm, đóng cửa 201.62 điểm.
VN-Index có thế hướng về ngưỡng 1000 điểm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Thị trường giảm điểm từ đầu phiên đến cuối phiến với mức độ tăng dần theo thời gian. 19/19 ngành giảm điểm với số mã giảm áp đảo số mã tăng. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX trong khi mua ròng tại sàn HNX. Thông tin về việc UBS mua lại Credit Suisse vẫn gây phản ứng khá tiêu cực trên thị trường khi mức giá UBS chọn ở mức 0.76 Franc, thấp hơn nhiều so với mức giá đóng cửa thứ 6 là 1.86 Franc.
Hiện tại, nhịp vận động của VN-Index đang báo hiệu tín hiệu kỹ thuật suy yếu và có thế hướng về ngưỡng 1000 điểm. Tuy nhiên, với việc toàn bộ thị trường thế giới đang dõi theo quyết định của FED trong ngày 22/03, nhiều khả năng chỉ số VN-Index có thể duy trì vận động trong vùng hỗ trợ 1000-1020 điểm".
Rủi ro ngắn hạn đang tăng lên
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"Thị trường tiếp tục điều chỉnh mạnh trong phiên đầu tuần, hôm nay VN-Index chốt phiên giảm -22,04 điểm (- 2,11%) và đóng cửa ở 1.023,10 điểm với khối lượng giảm trở lại dưới bình quân 20 phiên. Thị trường tiếp tục chịu tác động têu cực bởi chứng khoán toàn cầu đang giảm mạnh do lo ngại rủi ro hệ thống ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, khối ngoại bán ròng khá mạnh trong phiên hôm nay. Với điểm số hiện tại VN-Index giảm xuống dưới MA20 và không duy trì được kênh tăng ngắn hạn. Mặc dù biến động tổng thể của thị trường trong 1 tháng vừa qua là không lớn và có xu hướng tích lũy, nhưng trong ngắn hạn rủi ro đang tăng lên đặc biệt trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu suy giảm mạnh và thị trường không có các thông tin tích cực nâng đỡ
Với góc nhìn trung - dài hạn chúng tôi nhận định VN-Index vẫn đang trong xu hướng biến động hẹp dần có tính tích lũy cạn kiệt. Nhìn trên biểu đồ có thể thấy các đỉnh và đáy của các sóng gần đây có xu hướng thu hẹp biên độ, biến động của VN-Index trong khoảng 1 tháng trở lại đây chỉ dao động quanh 1020 - 1059 điểm. Nếu chỉ phân tích thuần về kỹ thuật có thể thấy trạng thái vận động của VN-Index đang chặt chẽ dần và hướng tới tích lũy tin cậy. Về mặt bằng giá cổ phiếu hiện nay đang khá hấp dẫn sau thời gian thị trường giảm sâu. Tuy nhiên, về Vĩ mô các thông tin tiêu cực về lạm phát toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao, các NHTW thế giới tiếp tục xu hướng tăng lãi suất và rủi ro trong hệ thống NHTM Mỹ và châu Âu đang rất cao có thể dân tới nguy cơ khủng hoảng tài chính, động thái bắt đầu bán ròng của khối ngoại tạo thêm áp lực bán trong bối cảnh lực cầu suy yếu. Do đó, xét tổng thể đối với thị trường chứng khoán trong trung hạn các thông tin tốt xấu đan xen khiến thị trường khó có thể định hướng rõ ràng, chúng tôi kỳ vọng trạng thái tích lũy là trạng thái chủ đạo trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, thị trường chưa thể có uptrend sớm.
Về ngắn hạn thị trường vẫn đang dao động không thực sự rõ xu hướng nhưng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn tiếp tục tăng cao khi thị trường đã không giữ được kênh tăng ngắn hạn. Với các nhà đầu tư trung - dài hạn chúng tôi vẫn luôn duy trì quan điểm thực hiện chiến lược tích lũy dần cổ phiếu, mục tiêu giải ngân nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là giải ngân dần trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm".
VN-Index có thể lùi sâu hơn 1.000 nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy
(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)
“VN-Index giảm điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên cùng thanh khoản gia tăng. Việc đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 103x đã khiến cho chỉ số quay trở lại xu hướng giảm điểm trong trung hạn. VN-Index đang đứng trước rủi ro tiếp tục mở rộng quán tính giảm điểm trong phiên tới và lùi xuống ngưỡng hỗ trợ gần là 1015-1020 và sâu hơn là 1000 điểm nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng tỷ trọng trading khi giá của các cổ phiếu mục tiêu về quanh ngưỡng hỗ trợ”.
Các nhà đầu tư đang bi quan với xu hướng ngắn hạn
(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)
“Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi khi chỉ số VN-Index kiểm định lại mức 1,020 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng giảm về gần vùng quá bán ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật trong ngắn hạn. Với kịch bản tiêu cực hơn, chỉ số VN-Index xuyên thủng mức 1,020 điểm thì đà giảm có thể mở rộng về mưc hỗ trợ mạnh 1,000 điểm. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm cho thấy các nhà đầu tư đang bi quan với xu hướng ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp dưới 35% danh mục ngắn hạn và tạm dừng mua mới trong ngắn hạn”.
Thanh khoản vẫn không cải thiện
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)
"Đà giảm điểm mạnh ngay trong phiên đầu tuần và tiếp tục mạnh dần về cuối phiên cho thấy áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng. Chỉ số giảm điểm mạnh từ vùng kháng cự trên của kênh đi ngang và dự báo sẽ một lần nữa kiểm tra lại vùng đáy tháng 2 vừa qua, thậm chí có thể là vùng đáy tháng 1.
VN-Index kết phiên đầu tuần với cây nến Bearish Engufling giảm điểm mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, cho thấy áp lực giảm điểm mạnh và phe bán chiếm hoàn toàn lợi thế. Thanh khoản vẫn không có sự cải thiện trong phiên thứ 3 liên tiếp, như vậy là biểu hiện thiếu lực cầu dù cho thị trường đã về vùng giá thấp hơn. Với tình hình hiện tại, trong phiên ngày mai chỉ số dự báo vẫn sẽ tiếp tục giảm điểm và sẽ kiểm tra lại ngưỡng đáy tháng 2, thậm chí là đáy tháng 1 đã hình thành trước đó. Kỳ vọng sẽ có một nhịp hồi trở lại từ vùng hỗ trợ dưới của chỉ số để tiếp tục duy trì khung đi ngang của thị trường giống như giai đoạn vừa qua. Chúng tôi dự báo VN-Index sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi ngang khó chịu cho đến khi thanh khoản giao dịch đột biến trở lại và khi đó sẽ có khả năng hình thành xu hướng mới.
Xu thế của thị trường là đi ngang nên chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư vẫn là swingtrade khi mua trong các phiên giảm mạnh, thậm chí là các phiên xuyên thủng hỗ trợ đáy tháng 2 hay tháng 1 và bán trong các phiên hưng phấn khi tăng điểm với thanh khoản không cải thiện. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tập trung vào các mã cổ phiếu mạnh và duy trì tích cực bình quân 50 phiên hoặc các mã mạnh quay đầu giảm giá trước thị trường và đang tiệm cận vùng đáy tháng một và tháng 2".
Nhà đầu tư không nên tham chiếu mà nên căn cứ vào cổ phiếu cụ thể
(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB - MBS)
“Thị trường trong nước cũng không nằm ngoài tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới, giá dầu tương lai giảm hơn 3%, giá vàng thế giới cũng vượt 2.000 USD lần đầu tiên trong hơn 1 năm. Thị trường chứng khoán thế giới được dự báo sẽ rất biến động trước kỳ họp vào ngày 21-22/3 của Fed.
Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 10.994 tỷ đồng, giảm 6,1% so với mức bình quân ở tuần trước. Với mức giảm thanh khoản trên toàn thị trường, dòng tiền từ khối nội tiếp tục yếu trong khi khối ngoại cũng quay ra bán ròng.
Phiên giảm mạnh trong vòng 1 tháng qua khiến chỉ số VN-Index xuyên qua vùng dao động đi ngang kể từ đầu tháng 3 và về sát đáy tháng 2. Kể từ đầu tháng 2, chỉ số VN-Index đang nằm trong kênh giảm và ngưỡng hỗ trợ cho thị trường trước mắt là mốc tâm lý 1.000 điểm, hỗ trợ kỹ thuật biên dưới kênh giảm giá là 993 điểm. Trong bối cảnh chứng khoán thế giới biến động mạnh, trong nước chưa có thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư không nên tham chiếu các ngưỡng hỗ trợ ở chỉ số chung mà nên căn cứ vào cổ phiếu cụ thể để đưa ra quyết định và tuân thủ kỷ luật trong các giao dịch ngắn hạn. Trong kịch bản lạc qua, chỉ số VN-Index sẽ có nhịp hồi kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 993 – 1.000 điểm”.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.