March 20, 2023 | 15:40 GMT+7

Nội ngoại cùng bán tháo, VN-Index bốc hơi 2,11%, ngưỡng 1.000 điểm gần kề

Kim Phong -

Sức mua từ quỹ Fubon có thể vẫn diễn ra, nhưng tổng thể nhóm nhà đầu tư nước ngoài hôm nay ghi nhận bán ròng 346,2 tỷ đồng trên HoSE. Quy mô xả của khối này chiếm 14,8% tổng giao dịch của sàn. VN-Index bốc hơi 2,11% giá trị, đồng thời 36% số mã trong nhóm cổ phiếu giảm giá cũng bốc hơi từ mức này trở lên...

VN-Index chiều nay trượt xuống mặt bằng thấp hơn hẳn so với phiên sáng.
VN-Index chiều nay trượt xuống mặt bằng thấp hơn hẳn so với phiên sáng.

Sức mua từ quỹ Fubon có thể vẫn diễn ra, nhưng tổng thể nhóm nhà đầu tư nước ngoài hôm nay ghi nhận bán ròng 346,2 tỷ đồng trên HoSE. Quy mô xả của khối này chiếm 14,8% tổng giao dịch của sàn. VN-Index bốc hơi 2,11% giá trị, đồng thời 36% số mã trong nhóm cổ phiếu giảm giá cũng bốc hơi từ mức này trở lên.

Kết phiên đầu tuần, VN-Index để mất 22,04 điểm, rơi xuống mức 1.023,1 điểm. Nói cách khác, chỉ cần thêm một phiên giảm tương tự hôm nay, chỉ số sẽ chạm tới ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.

Thị trường chiều nay còn yếu hơn buổi sáng. Phiên sáng mới có 140 cổ phiếu sàn HoSE giảm từ 1% trở lên thì phiên chiều tới 216 mã. VN-Index cuối phiên sáng cũng mới giảm 1,33%, kết phiên giảm 2,11%.

Nhóm blue-chips dĩ nhiên là sức ép chính với nhiều trụ bị bán tháo dữ dội. VCB cuối phiên sáng giảm 1,12%, đến chiều giảm thêm gần 3,3% nữa, đóng cửa mất tổng cộng 4,38% so với tham chiếu. CTG phiên chiều rớt thêm 1,75%, đóng cửa giảm 3,45%; BID tụt 0,44% chiều nay, chốt giảm 2,05% so với tham chiếu. Đây là 3 mã ngân hàng kéo lùi điểm số nhiều nhất. Ngoài ra còn cả loạt cổ phiếu ngân hàng khác như STB giảm 3,39%, TPB giảm 5,26%, VIB giảm 1,91%, HDB giảm 3,78%... Hầu hết số này đều giảm 1%-2% riêng buổi chiều.

Ngoài cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, nhóm chứng khoán và năng lượng cũng giao dịch rất tệ. Giá dầu lao dốc kinh hoàng từ đầu tháng 3 và mấy ngày gần đây giảm rất sốc. Cổ phiếu dầu khí chịu áp lực nặng nề, BSR giảm 5,7%, PVD giảm 6,01%, PVB giảm 7,3%, PSH giảm 6,35%, PVS giảm 5,51%, PVC giảm 5,44%... Cổ phiếu chứng khoán cũng rơi tự do cả loạt: VCI giảm 4,92%, SSI giảm 3,94%, HCM giảm 2,32%, VND giảm 4,33%, MBS giảm 2,92%...

Với độ rộng quá tệ thì đáng quan tâm hơn lại là các cổ phiếu ngược dòng. Tuy nhiên trong 48 mã tăng ngược ở HoSE hôm nay hầu hết thanh khoản quá kém và tăng giá chỉ nhờ lợi thế này. Vài mã khá hơn có thể kể tới là DCM tăng 2,5% thanh khoản 89,2 tỷ đồng; KDC tăng 1,89% thanh khoản 94 tỷ; CII tăng 1,42% giao dịch 132,3 tỷ; GMD tăng 1,42% giao dịch 12,5 tỷ; PNJ tăng 1,27% giao dịch 38,5 tỷ.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn chiều nay giảm cực mạnh.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn chiều nay giảm cực mạnh.

Điểm nhấn bất ngờ hôm nay là nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra rất mạnh. Lực mua đã khá hơn rất nhiều, mức giải ngân phiên chiều đạt 894,8 tỷ đồng, gấp 4,5 lần phiên sáng. Tuy nhiên bán ra cũng rất khủng với 1.074,7 tỷ đồng. Mức bán ròng tăng thêm khiến cả ngày khối này rút đi ròng tổng hợp 346,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất là HPG -68,3 tỷ, VIC -58,4 tỷ, FUEVFVND -34,7 tỷ; VNM -30,8 tỷ; STB -26,2 tỷ; VCB -22,1 tỷ; HDB -20,9 tỷ; PLX -20,9 tỷ... Phía mua ròng xuất hiện DCM +28,1 tỷ, HSG +14,6 tỷ. Lực đỡ của khối ngoại tại DCM là lý do chính giúp mã này tăng giá mạnh, lượng mua chiếm khoảng 32% tổng thanh khoản.

Phiên giảm mạnh hôm nay đẩy VN-Index lùi xuống sát ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Hiện chỉ số đang đứng tương đương vùng đáy ngắn hạn cuối tháng 2/2023. Lúc đó thị trường cũng trông đợi VN-Index kiểm định mức tâm lý 1.000 điểm và bên cầm tiền hành động sớm hơn, khiến thị trường quay đầu hình thành nhịp tăng ngắn hạn nhỏ trong tháng 3. Lần này thị trường lặp lại tình trạng đó, nhưng liệu người mua có lặp lại cùng hành động hay không vẫn là câu hỏi lớn. Tuần này FED sẽ quyết định mức tăng lãi suất. Nếu bước tăng vượt ngoài kỳ vọng – dự kiến là 0,25% - thì sẽ là một áp lực rất lớn lên thị trường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate