Sau 4 ngày đàm phán, Hiệp hội biên kịch (WGA) cùng Liên minh các Nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình (AMPTP) – tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất lớn như Walt Disney, Netflix và các công ty truyền thông khác - đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, mở đường cho việc kết thúc cuộc đình công lớn nhất Hollywood đã diễn ra gần 4 tháng qua. Nội dung thỏa thuận chưa được các bên tiết lộ, chỉ biết việc sử dụng AI trong sáng tạo nội dung là thứ cuối cùng 2 bên bàn bạc để thống nhất.
Từ ngày 2/5, khoảng 11.500 biên kịch Hollywood đã tiến hành đình công để yêu cầu mức lương tương xứng hơn. Vì lợi nhuận của hãng phim đã tăng 39% trong 10 năm qua, nhưng lương trung bình của biên kịch lại giảm 4%. Tháng 7, đến lượt 160.000 diễn viên điện ảnh, nhà báo truyền hình, phát thanh viên, người dẫn chương trình và diễn viên đóng thế của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG - AFTRA) cũng đình công. Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh hợp đồng 3 năm hết hạn, và các cuộc đàm phán giữa SAG - AFTRA và AMPTP gặp thất bại.
Kể từ năm 1960 đến nay, cả hai Hiệp hội biên kịch và diễn viên Mỹ mới cùng đình công một lúc với nhau. Họ cũng có cùng một “đối thủ” là Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình, và cùng một vấn đề cần giải quyết: thù lao và điều kiện làm việc trong thời đại dịch vụ phát trực tuyến (streaming) lên ngôi trong khi nguồn thu truyền hình giảm, và đặc biệt là phải quản lý chặt việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Hai lực lượng tạo nên sự thành công của Hollywood nhờ khả năng sáng tạo nay trở nên lo ngại AI sẽ sáng tạo thay họ. Ông Freddy Bouciegues, Nhà điều phối diễn viên đóng thế, Bang California, Mỹ nhận định: "Rồi sẽ đến một tương lai gần mà AI chắc chắn sẽ là một mối đe dọa. Chúng ta sẽ thấy số người này giảm từ 40 xuống 10, xuống 2, có khi chẳng còn ai nữa. Toàn bộ sẽ là đồ họa máy tính, hay bất cứ cái gì mà AI tạo nên".
Vụ việc gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều công ty thuộc 3 lĩnh vực khác nhau trong các hoạt động kinh doanh truyền thông như điện ảnh, truyền hình tuyến tính và phát trực tuyến. Hollywood và nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nặng từ cuộc liên minh đình công này, ước tính thiệt hại 5 tỷ USD theo tính toán của các chuyên gia kinh tế.
Ở Hollywood, 11 hãng phim lớn bị tổn thất 1,3 tỷ USD, 17.000 người mất việc. Trong hồ sơ gửi lên SEC (Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ), hãng phim lớn ở Hollywood là Warner Bros cho biết, cuộc đình công kép của diễn viên và biên kịch Hollywood đã tác động tiêu cực tới thu nhập và lợi nhuận của công ty năm nay. Hãng dự kiến thiệt hại từ 300 đến 500 triệu USD tính riêng trong năm 2023, nên mong muốn sớm được đàm phán.
Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất Felicia Pride tiết lộ nhiều diễn viên và biên kịch tại Hollywood cũng áp lực và mệt mỏi trước cuộc đình công kéo dài hiện nay. Theo đó, họ đều nhớ nghề và trở nên căng thẳng với việc nhàn rỗi. "Thật kỳ lạ bởi vì đôi khi bạn còn không biết sự căng thẳng này đến từ đâu", nhà sản xuất của Grey’s Anatomy chia sẻ, "Đó là sự lo lắng về việc ngành giải trí sẽ ra sao với vấn đề này. Đó là nỗi lo lắng tập thể bởi bạn bè của mình cũng đang trải qua những chuyện tương tự".
Mặc dù nhiều thành viên của hiệp hội biên kịch và diễn viên đều nóng lòng trở lại công việc nhưng điều này không thể xảy ra. Phần lớn đều mong muốn tìm kiếm mức tiền lương tốt hơn, điều kiện làm việc tốt hơn và lợi ích từ việc được bảo vệ khỏi AI đang "xâm chiếm" Hollywood. Những vấn đề này trở nên cấp bách đến mức những người đình công khẳng định sẵn sàng tiếp tục dừng mọi hoạt động cho đến khi vấn đề được các hãng phim giải quyết.
Lễ trao giải Emmy lần thứ 75 là một trong số những sự kiện bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công. Ban đầu lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/9/2023, nhưng buộc phải dời sang ngày 15/1/2024, bởi các cuộc đình công kép khiến các diễn viên và biên kịch không thể thực hiện các cuộc phỏng vấn, các chương trình quảng cáo... Thậm chí, những người làm các công việc hậu cần như chuyên gia về trang phục, tóc, trang điểm và móng tay cho biết, họ sợ mất nhà cửa và các gói bảo hiểm y tế.
Theo thống kê từ Chương trình Y tế và Hưu trí Công nghiệp Điện ảnh, gần 3.000 lao động trong ngành giải trí đã nộp đơn xin rút tiền từ tài khoản hưu trí cá nhân sau khi phải chịu đựng nhiều tháng không có việc làm. Số tiền rút trung bình của mỗi người là khoảng 15.000 USD và đã có tổng cộng hơn 44 triệu USD được người lao động rút ra tính tới thời điểm hiện tại.
Những số liệu này cho thấy Hollywood đang gặp khủng hoảng kinh tế nặng nề và đây là thực trạng mà những người lao động phải đối mặt. Trong khi đó, khán giả đang dần mất kiên nhẫn trước việc hàng loạt dự án và chương trình truyền hình bị hủy bỏ. "Lỗ hổng" truyền hình trở nên ngày càng lớn và khiến tình hình của Hollywood căng thẳng và áp lực hơn bao giờ hết.
Hiện những người lao động không được nhận tiền thất nghiệp khi đình công do luật của California (Mỹ). Tuy vậy, mọi chuyện có thể thay đổi do điều luật đang được nghiên cứu nhằm mở rộng phúc lợi cho người lao động. Nếu được ký thành luật, dự luật sẽ có hiệu lực từ 1/12024. Lo sợ việc này khiến cuộc đình công có khả năng kéo dài hơn, phía hãng phim đã có thiện chí mong muốn tiến tục đàm phán nhằm mang đến thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.
Ở thời điểm hiện tại, thông tin chi tiết liên quan tới hợp đồng thỏa thuận vẫn không được công bố. Giải thích lí do cho vấn đề này, Hiệp hội biên kịch Hollywood cho biết: "Mặc dù chúng tôi rất mong chia sẻ về những gì đã đạt được cho các bạn nhưng chúng tôi không thể cho đến khi chữ cuối cùng được ghi lại. Việc thông báo trước sẽ khiến công việc của chúng tôi phức tạp hơn".
Cũng cần lưu ý rằng mặc dù Hollywood vô cùng háo hức mong muốn trở lại với công việc nhưng sau 5 tháng tạm dừng sản xuất, các hãng phim và nhà phát trực tuyến vẫn cần thời gian để đưa các chương trình truyền hình cũng như dự án phim, điện ảnh hoạt động trở lại. Khi thông tin về tiến triển tại bàn đàm phán lan rộng, các dự án dang dở đã lặng lẽ lập kế hoạch cho việc sản xuất. Hiện các nguồn lực sản xuất cũng đang được huy động, sẵn sàng cho sự trở lại sau khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết với hiệp hội biên kịch.