Đây chính là lợi thế tạo cơ hội lớn cho Đà Nẵng phát triển thành một trung tâm kinh tế biển và trung tâm logistics lớn của Vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, cả nước và quốc tế.
CHỦ TRƯƠNG LỚN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
Logistics đã được Đảng và Nhà nước xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao.
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm.
Đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 cũng định hướng xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ hậu cần trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển Đông của Hành lang kinh tế Đông - Tây...
Những chủ trương chính sách nêu trên càng khẳng định rõ hơn vị thế địa chính trị, kinh tế của Đà Nẵng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và có tầm lan tỏa phát triển trong tuyến Hành lanh kinh tế Đông - Tây.
Nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của Đà Nẵng, đồng thời tăng cường kểt nối để đưa Đà Nẵng trở thành một đầu mối logistics trong khu vực Đông Nam Á, thành phố đã xây dựng và đang khẩn trương hoàn chỉnh Đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo quy hoạch, Đà Nẵng có 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng diện tích 229 ha; bao gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu quy mô 30 ha đến năm 2030 và mở rộng lên 69 ha năm 2045; Trung tâm logistics Hòa Nhơn, quy mô 27 ha đến năm 2030, lên 54 ha năm 2045; Trung tâm logistics đường sắt, quy mô 5 ha đến năm 2030, lên 10 ha năm 2045; Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, quy mô 4 ha đến năm 2030, lên 8 ha năm 2045 và Trung tâm logistics khu công nghệ cao, quy mô 3 ha đến năm 2030, lên 20 ha năm 2045. Bên cạnh đó, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác cũng có vai trò hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung nói trên.
So với mặt bằng chung cả nước, tốc độ phát triển dịch vụ logistics của Đà Nẵng đang ở mức trung bình khá, giai đoạn 2011-2021 đạt khoảng 7-9%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP từ 6-9%. Thời gian qua, các loại hình dịch vụ logistics trên địa bàn Đà Nẵng đã có sự phát triển đa dạng gắn với sự phát triển các hạ tầng logistics cảng biển, đường thủy nội địa, hàng không, đường sắt, đường bộ. Đặc biệt, đã có 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp hoạt động tại Đà Nẵng.
Các doanh nghiệp logistics Đà Nẵng cung cấp chủ yếu dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường bộ với 681 doanh nghiệp; 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đại lý giao nhận vận chuyển; 14 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho bãi; 15 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bốc xếp; 19 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát; 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến vận tải đường biển; chỉ có 1 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải hàng không. Đáng chú ý, dịch vụ logistics thuê ngoài của Đà Nẵng còn chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 25-30%), đây cũng chính là dư địa lợi thế để thành phố phát triển dịch vụ logistics.
QUYẾT TÂM THỰC HIỆN CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022, ngày 4/8/2022 tại Đà Nẵng đã diễn ra “Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên Hành lang kinh tế Đông - Tây” do Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức. Sự kiện có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố của Việt Nam; các cơ quan ngoại giao, thương mại các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Nga; các tổ chức quốc tế và các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư thương mại và dịch vụ logistics.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp ngành logistics đã tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics Hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong đó, tập trung thúc đẩy hoạt động đầu tư thương mại, dịch vụ logistics, hạ tầng giao thông kết nối, nguồn nhân lực logistics... Theo đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa thành công của dịch vụ logistics.
Tiếp đến ngày 17/9/2022, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm về phát triển logistics để tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị từ các doanh nghiệp logistics, Hiệp hội doanh nghiệp logistics trên địa bàn Đà Nẵng. Hầu hết các ý kiến của đại diện các đơn vị liên quan đến ngành logistics tại tọa đàm đều cho rằng sự cần thiết phải xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của khu vực nhằm tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; đồng thời các ý kiến cũng đề xuất lãnh đạo Đà Nẵng tiếp tục có các chủ trương, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng để tạo nguồn hàng dồi dào cho xuất, nhập khẩu.
Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải thành phố, cho rằng để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó cảng Liên Chiểu được sử dụng như là cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương, cần phải tận dụng các ưu thế của địa phương để phát triển hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, liên thông, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dịch chuyển, xử lý dòng hàng hóa phát sinh của thành phố và các tỉnh lân cận, đặc biệt là luồng hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như Đông - Tây 2 trong tương lai.
Theo ông Trung, với mục tiêu này, dự kiến đến năm 2025, các trung tâm logistics tại Đà Nẵng sẽ đáp ứng được khoảng 30% về lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, đến năm 2050 là 55%; đối với luồng hàng hóa qua cảng hàng không năm 2025 là 15%, đến năm 2050 là 40%; đối với luồng hàng hóa đường sắt, năm 2030 là 20% và đến năm 2050 là 40%.
“Công tác quy hoạch hệ thống trung tâm logistics phải gắn kết hợp lý quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khác của Đà Nẵng và liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung; phải tính đến khả năng lâu dài, bảo đảm đủ các yếu tố để khuyến khích dịch vụ logistics phát triển, tăng tính cạnh tranh và chuyên nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.
Để đẩy nhanh tiến trình này, thành phố đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội, năng lực của doanh nghiệp, điều chỉnh giảm mức phí, lệ phí hàng hải để thu hút tàu có trọng tải lớn vào cảng biển Đà Nẵng. Đặc biệt, thành phố đang gấp rút triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng sân bay Đà Nẵng, ga hàng hóa đường sắt Kim Liên và mạng lưới giao thông đường bộ kết nối với các trục cao tốc quốc gia; xúc tiến đầu tư tuyến quốc lộ 14D và đoạn nối tiếp qua khu vực Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, Myanmar; sớm hình thành Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, góp phần tăng thêm nguồn hàng cho cảng Đà Nẵng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực và một số địa phương nằm ngoài biên giới quốc gia.