ExxonMobil ngày 31/1 công bố báo cáo tài chính cho thấy khoản lãi ròng 12,75 tỷ USD trong quý 4, không đạt kỳ vọng 13,7 tỷ USD của giới phân tích ở Phố Wall. Trong quý, ExxonMobil phải chi 1,3 tỷ USD để đóng thuế lợi nhuận vượt trội ở thị trường châu Âu. Tuy nhiên, hãng đang kiện Liên minh châu Âu (EU) vì luật này, với lập luận rằng EU đã vượt qua thẩm quyền hợp pháp khi ban hành một đạo luật như vậy.
Dù không đạt kỳ vọng, mức lãi quý 4 của ExxonMobil vẫn đánh dấu một trong những quý lãi lớn nhất của công ty có trụ sở ở Texas. Kỷ lục lợi nhuận quý của ExxonMobil được thiết lập trong quý 3/2022, khi công ty bỏ túi 19,7 tỷ USD lãi ròng. Những tháng gần đây, lợi nhuận của các công ty dầu lửa lớn như ExxonMobil suy yếu vì giá dầu thô và khí đốt đã “hạ nhiệt” sau đợt tăng chóng mặt trong năm ngoái.
Kỷ lục lợi nhuận năm trước đó của ExxonMobil là vào năm 2008, khi giá dầu đạt mức cao chưa từng thấy trong lịch sử mang lại cho hãng khoản lãi ròng 45,2 tỷ USD. Năm 2021, hãng lãi 23 tỷ USD.
CEO Darren Woods của ExxonMobil cảnh báo rằng nguồn cung năng lượng toàn cầu có thể tiếp tục thắt chặt vì sản lượng của ngành không đủ để lấp đầy sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu. Nguồn cung dầu thô và khí đốt vẫn đang hạn chế, một phần bởi “một số đối thủ của chúng tôi đã cắt giảm đầu tư vào sản xuất”, ông Woods nói nhưng không đề cập đến những cái tên cụ thể.
Những năm gần đây, một số hãng dầu khí lớn như BP, Shell, TotalEnergies… đã tuyên bố có kế hoạch giảm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hoá thạch, như một cách để trấn an những lo ngại của thế giới về biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Woods, Exxon đã hưởng lợi từ các điều kiện thị trường thuận lợi và “đi ngược lại đám đông” bằng cách tiếp tục đầu tư trong suốt thời gian đại dịch, bất chấp việc ngành dầu lửa đã có những thời điểm lỗ nặng.
Hãng Chevron, đối thủ “nặng ký” nhất của ExxonMobil tại Mỹ, cũng lập kỷ lục lợi nhuận trong năm 2022, với khoản lãi 35,5 tỷ USD công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước.
Như vậy, hai “ông lớn” dầu khí Mỹ đã đạt mức lãi tổng cộng kỷ lục hơn 91 tỷ USD trong năm ngoái, vượt qua kỷ lục cũ 71 tỷ USD thiết lập vào năm 2021.
Việc các công ty dầu khí Mỹ lãi lớn, chi mạnh để mua lại cổ phiếu và trả cổ tức cho cổ đông đã khiến họ phải đối mặt với sự chỉ trích của Tổng thống Joe Biden. Ông Biden cáo buộc Exxon và các hãng dầu lửa Mỹ khác “trục lợi chiến tranh” vào lúc người tiêu dùng đương đầu với giá năng lượng tăng cao.
Năm 2022, ExxonMobil đã trả lại 29,8 tỷ USD cho cổ đông, trong đó có khoảng một nửa thông qua cổ tức và một nửa thông qua mua lại cổ phiếu. Hồi tháng 12, hãng tuyên bố sẽ chi 50 tỷ USD để mua lại cổ phiếu trong thời gian 2022-2024. Hãng đã chi 22,4 tỷ USD cho thăm dò và đầu tư cơ bản trong năm ngoái. Lượng tiền mặt trên bảng cân đối kế toán của công ty ở thời điểm cuối năm là 29,6 tỷ USD, tăng 22,8 tỷ USD, tương đương tăng 336% so với năm trước. Ngoài ra, ExxonMobil còn trả nợ được 7 tỷ USD trong năm 2022.
Kết quả kinh doanh “rực rỡ” và cổ tức dồi dào của ExxonMobil góp phần đưa giá cổ phiếu của công ty tăng 50% trong vòng 1 năm trở lại đây, vượt xa mức tăng của các đối thủ khác trong ngành dầu khí và mức tăng 11% của chỉ số S&P 500 trong cùng khoảng thời gian.
Phản hồi sự chỉ trích của chính quyền ông Biden, Giám đốc tài chính (CFO) của ExxonMobil, bà Kathy Mikells, nói rằng “ưu tiên đầu tiên và trên hết của chúng tôi là đầu tư vào sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu”. Bà nhấn mạnh rằng sản lượng của ExxonMobil tăng trong năm ngoái “vào thời điểm rất được cần đến”.
Dù đã “xuống thang” vào cuối năm ngoái, giá dầu hồi phục trong tháng 1 vừa qua khi nhà đầu tư kỳ vọng rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ đẩy nhanh tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu. Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London hiện đang dao động quanh ngưỡng 85 USD/thùng, sau khi giảm còn 75 USD/thùng vào tháng 12 năm ngoái từ mức hơn 117 USD/thùng vào tháng 3.