Theo Sở Du lịch Thành phố Hà Nội, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có những di tích ngàn năm tuổi, 1.793 di sản văn hoá phi vật thể.
Hà Nội cũng là nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng, có 47 nghề trên 52 nghề của toàn quốc. Đồng thời là một trong ba vùng tập trung nhiều lễ hội của miền Bắc Việt Nam, cùng với vùng đất Tổ Phú Thọ và xứ Kinh Bắc.
THIẾU CÁC SẢN PHẨM DU LỊCH VĂN HÓA ĐẶC SẮC
Theo bà Phạm Diễm Hảo, đại diện Sở Du lịch Thành phố Hà Nội, với những nguồn tài nguyên du lịch trên, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, mang thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách (gồm 4 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa), tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019).
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với Kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019).
Hà Nội liên tục được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm các thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Song bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện Sở du lịch Hà Nội thẳng thắn cho rằng việc phát huy giá trị di sản văn hoá trong phát triển du lịch còn một số hạn chế, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Đặc biệt là thiếu các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, khác biệt để phát triển và lan tỏa được thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô đến các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hơn nữa, cơ sở, hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng vật chất kỹ thuật phụ trợ, dịch vụ du lịch tại nhiều điểm di tích chưa được đầu tư thiếu đồng bộ, khả năng kết nối hạn chế. Chất lượng một số điểm đến du lịch còn có nhiều hạn chế về vệ sinh môi trường, tổ chức dịch vụ, hướng dẫn viên... Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch văn hóa chưa đa dạng, phong phú; thiếu các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; chưa khai thác, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống. Chưa ứng dụng được các thành tựu khoa học, công nghệ trong quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa.
Phân tích nguyên nhân của những hạn chế trên, bà Hảo cho rằng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị tại một số di tích, công trình kiến trúc cổ chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, do cơ chế phân cấp quản lý chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ di sản văn hóa của một bộ phận người dân chưa cao; do thiếu các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch cho các nhà hát, các di tích danh thắng, di sản văn hóa... Thiếu cơ chế hợp tác công - tư, cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, nâng cao chất lượng khu, điểm du lịch văn hóa, di sản.
Mặt khác, hoạt động quảng bá và giới thiệu các giá trị văn hóa của Thủ đô chưa được tổ chức rộng rãi, chưa được quan tâm đầu tư xứng đáng. Thiếu các chiến lược, chiến dịch quảng bá du lịch văn hóa Thủ đô chuyên nghiệp, hấp dẫn.
KHAI THÁC CÁC YẾU TỐ ĐẶC TRƯNG CỦA THỦ ĐÔ
Nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để tạo sức bật cho phát triển du lịch Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội cho biết sẽ tập trung quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô.
Trong đó tập trung vào các công trình trọng điểm: khu vực Thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long; phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế... Qua đó, kiến tạo các điểm du lịch văn hóa có chất lượng, đẳng cấp cao.
Đồng thời tập trung phát triển du lịch có trách nhiệm, phát triển du lịch hướng đến cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chia sẻ hài hòa lợi ích, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp, địa phương, người dân và du khách.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao.
Tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội.
Đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa trên các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế. Định kỳ hàng năm, tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch văn hóa lớn, đặc sắc như: Lễ hội áo dài, Lễ hội quà tặng du lịch...
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, kiến nghị Hà Nội cần phát triển các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa, như sản phẩm du lịch Sông Hồng, vừa có trải nghiệm mới và gắn với các di tích lịch sử, làng nghề… Xây dựng sản phẩm tour đêm như di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu.
Ngoài ra cần phát triển thêm sản phẩm du lịch về nghệ thuật truyền thống văn hóa như cải lương, chèo với những trích đoạn nổi tiếng như truyện Kiều… Xây dựng một số sản phẩm mới lạ về làng nghề truyền thống gắn với tham quan các di tích lịch sử như: Nón Chuông, làng hương Quảng Phú Cầu…