Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên phạm vi toàn quốc đạt khoảng 60%, trong những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số điểm đến ven biển đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100% trong thời gian nghỉ lễ.
Theo đó, các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, Thanh Hóa phục vụ khoảng 1.520.000 lượt khách, tăng 27,2%; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỷ đồng, tăng 32,8%. Quảng Ninh phục vụ khoảng 1.017.800 lượt khách, tăng 48,0%; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.210 tỷ đồng, tăng 53%. Khánh Hòa phục vụ khoảng 969.950 lượt khách, tăng 21,5%; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.306,7 tỷ đồng, tăng 53%.
Tiếp theo, TP.HCM phục vụ khoảng 969.000 lượt khách, tăng 2%; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.235 tỷ đồng, tăng 3,4%. Nghệ An phục vụ khoảng 950.000 lượt khách, tăng 22%; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1.700 tỷ đồng. Hà Nội phục vụ khoảng 737.900 lượt khách, tăng 4%; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng gần 10%. Bà Rịa - Vũng Tàu phục vụ khoảng 626.360 lượt khách, tăng 25%; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 712,8 tỷ đồng, tăng 12,49%. Đà Nẵng phục vụ khoảng 336.000 lượt khách, tăng 11,6%; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.3360 tỷ đồng, tăng 12,7%...
Theo nhận định của Cục Du lịch Quốc gia, kỳ nghỉ lễ năm nay, do thời gian nghỉ dài, thời tiết nắng nóng nên phần lớn du khách lựa chọn những điểm du lịch biển như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…, hoặc vui chơi, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch văn hóa, sinh thái có khoảng cách gần các thành phố lớn.
Đối tượng chủ yếu là khách lẻ, khách đi theo gia đình theo nhóm nhỏ từ 3-5 người bằng xe tự lái. Đặc biệt, với ý nghĩa 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các điểm đến trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đón lượng khách du lịch kỷ lục tại thời điểm trước và trong dịp nghỉ lễ năm nay.
Dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày (từ 27/4 đến hết ngày 01/5/2024) nên hầu hết các điểm đến đã đón lượng khách nhiều hơn, thời gian lưu trú dài hơn, doanh thu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, số lượng khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt dù đã qua mùa cao điểm. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo; chưa ghi nhận sự cố nghiêm trọng liên quan đến khách du lịch đến thời điểm báo cáo…
Một số điểm đến đón đông du khách trong dịp lễ này là Sa Pa (Lào Cai); Mộc Châu (Sơn La); Hạ Long (Quảng Ninh); Cát Bà (Hải Phòng); Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh)… ở khu vực miền Bắc.
Khu vực miền Trung có Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Mũi Né (Bình Thuận), Măng Đen (Kon Tum), Đà Lạt (Lâm Đồng)… Tại khu vực miền Nam, các chuyến đi về miền Tây, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, núi Chứa Chan, hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng... thu hút đông du khách.
Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng gay gắt ở cả 3 miền khiến hoạt động ngoài trời của du khách bị hạn chế, nhất là tại các điểm đến ở khu vực vùng núi và đô thị. Một số điểm đến ghi nhận lượng khách giảm so với cùng kỳ năm 2023 gồm Đà Nẵng, Phú Quốc (giảm lượng khách nội địa), Quảng Nam, Côn Đảo do giá vé máy bay tăng cao.
Ngoài ra, hiện tượng ùn tắc cục bộ diễn ra tại một số điểm du lịch như tại Hạ Long, bến phà ra đảo Cát Bà, tuyến đường ven biển Nha Trang, nội đô Đà Lạt… và trên các tuyến quốc lộ dẫn về các thành phố lớn trong thời điểm đầu và cuối kỳ nghỉ lễ. Cũng do giá vé nội địa cao nên một bộ phận du khách chọn đi nước ngoài với các tour đến khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore), Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) hoặc đi Trung Quốc bằng đường bộ.