Theo Financial Times, Richemont hiện sở hữu các thương hiệu đồng hồ và trang sức như Cartier, Piaget, Van Cleef & Arpels cùng một loạt thương hiệu đồng hồ xa xỉ, còn LVMH có Tiffany. Giới phân tích cho rằng nếu tin đồn là thật, Tiffany và Cartier có thể bổ sung cho nhau và đưa LVMH lên vị thế hàng đầu của lĩnh vực trang sức cao cấp. Việc tiếp quản cũng sẽ củng cố đáng kể bộ phận chế tác đồng hồ của nhà LVMH, nó có thể hoạt động như Jaeger-LeCoultre và Panerai, cùng với các thương hiệu trong danh mục đầu tư như TAG Heuer và Hublot.
Tuy nhiên vừa mới đây, Chủ tịch công ty, tỷ phú Johann Rupert đã bác bỏ tin đồn này. Ông Rupert cho biết ông thường xuyên thảo luận với Chủ tịch LVMH, Bernard Arnault, nhưng Richemont không hề chuẩn bị cho việc bán đi tập đoàn. “Chúng tôi liên tục đối thoại và chúng tôi tôn trọng sự độc lập của nhau”, ông nói về LVMH. Tập đoàn trang sức Thụy Sĩ cũng đã từ chối việc hợp tác với chủ sở hữu Gucci – tập đoàn Kering - do các chủ ngân hàng đề xuất hai năm trước
Bên cạnh đó, "gã khổng lồ" chuyên kinh doanh hàng xa xỉ của Thụy Sỹ cũng vừa báo cáo doanh thu đạt kỷ lục do sự phục hồi mạnh mẽ ở thị trường Trung Quốc. Richemont cho biết doanh thu đã tăng 19% hơn mức dự báo lên 19,9 tỷ euro (21,7 tỷ USD) trong năm tài chính 2022 - 2023 vừa kết thúc vào tháng 3/2023.
Quý cuối cùng của năm tài chính này cũng đã chứng kiến lợi nhuận hoạt động ở mức cao nhất mọi thời đại là 5,031 tỷ euro (5,47 tỷ đô la), cao hơn 34% so với lợi nhuận hoạt động là 3,75 tỷ euro (4,08 tỷ đô la) được ghi nhận trong quý 1 năm tài chính 2022. Lợi nhuận gộp trong quý được báo cáo là 13,71 tỷ euro (14,91 tỷ đô la), cao hơn 23% so với lợi nhuận gộp là 11,17 tỷ euro (12,14 tỷ đô la) trong quý 1 năm tài chính 2022.
Doanh thu của Richemont tăng là nhờ khách du lịch Mỹ và Trung Đông quay trở lại châu Âu và doanh số bán hàng ở châu Á tăng vọt trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2023. Tuy nhiên, Richemont đã báo cáo khoản lỗ 3,6 tỷ euro phần lớn là do bán lỗ khoản đầu tư vào YOOX – tập đoàn mẹ của trang web bán hàng xa xỉ Net-a-porter – cho đối thủ cạnh tranh là Farfetch và công ty đầu tư Trung Đông Symphony Global.
Tăng trưởng doanh số bán hàng ở Châu Mỹ, khu vực đại diện cho doanh số bán hàng lớn thứ hai của Richemont, đạt 27% trong năm trong khi ở Châu Âu, mức tăng trưởng doanh số chung là 30% phản ánh nhu cầu mạnh mẽ ở hầu hết các thị trường, đặc biệt đáng chú ý là hiệu suất của Pháp, Ý và Thụy Sĩ, báo cáo của công ty viết. Tại châu Á, Nhật Bản đã báo cáo hiệu suất khu vực mạnh nhất trong năm với doanh số bán hàng tăng 45%, nhờ doanh số bán hàng nội địa vững chắc và sự trở lại ngày càng tăng của du lịch trong nước.
Chủ tịch Richemont nói với tờ News24: “Doanh số bán hàng tại các cửa hàng do công ty trực tiếp điều hành tiếp tục vượt trội rõ rệt so với các kênh phân phối khác, giúp doanh số bán hàng của Tập đoàn tăng đến 68%, kết hợp với doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 3/4 doanh số bán hàng của Tập đoàn. Cả hai kết quả đều chứng minh sự thành công của chiến lược thu hút khách hàng đang diễn ra của chúng tôi”.
Hoạt động kinh doanh mảng trang sức của Richemont đã cho thấy doanh số bán hàng tăng 21% trên cơ sở tỷ giá hối đoái thực tế trong khi hoạt động kinh doanh đồng hồ tăng 13% trên cơ sở tỷ giá hối đoái thực tế.
Giá cổ phiếu của công ty đã tăng tới 5,9% lên mức kỷ lục tại Geneva. Tỷ phú Johann Rupert cho biết các thương hiệu của công ty có vị thế tốt để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi việc nối lại các chuyến du lịch của khách hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Rupert cho biết người tiêu dùng Trung Quốc đã thận trọng trong việc chi tiêu sau khi các chính sách của Covid kết thúc và công ty không mong đợi nhu cầu ở đó sẽ phục hồi mạnh mẽ như tại Hoa Kỳ.
Công ty cũng công bố kế hoạch mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu A, chiếm 1,7% vốn công ty. Các cổ phiếu sẽ được giữ trong ngân quỹ để chuẩn bị cho các giải thưởng dành cho các giám đốc điều hành và nhân viên, dựa theo kế hoạch khuyến khích dài hạn của công ty. Dựa trên giá cổ phiếu hôm thứ Năm tuần trước, một cổ phần có quy mô đó sẽ trị giá 1,5 tỷ franc (1,7 tỷ USD).
Fiona Druckenmiller, người sáng lập Phòng trưng bày FD, một cửa hàng ở New York chuyên cung cấp đồ trang sức cổ điển và đã qua sử dụng, sẽ tham gia vào ban giám đốc. Chồng bà, Stan Druckenmiller, là tỷ phú sáng lập Văn phòng Gia đình Duquesne và quản lý tiền cho tỷ phú George Soros trong hơn một thập kỷ. Một phần ba thành viên hội đồng quản trị sẽ là phụ nữ tại cuộc họp cổ đông tiếp theo.
Tập đoàn Richemont do doanh nhân Johann Rupert thành lập năm 1988 và hiện vẫn do gia đình nắm quyền điều hành. Nhiều nhà đầu tư chủ động (activist investor) đã tìm cách thâm nhập để thay đổi hội đồng quản trị nhưng đều bị ông ngăn cản. Trong một bài phỏng vấn tháng 10/2022 cùng tờ nhật báo tài chính Finanz und Wirtschaft, người đàn ông này từng phát biểu: “Chúng tôi có thể phát triển chậm và bảo thủ hơn người khác. Nhưng đây cũng là một lợi thế”.