Cho tới lúc này, nhà bán lẻ quần áo của Nhật Bản vẫn chưa chính thức tuyên bố rút khỏi Nga như nhiều công ty nước ngoài khác, nhưng các chuyên gia thị trường tin rằng quá trình này đã được triển khai. Hầu hết các cửa hàng hiện hữu của Uniqlo sẽ được thay thế bởi thương hiệu quần áo Nga Gloria Jeans, tờ báo kinh tế Nga Kommersant cho biết.
Uniqlo đã tạm dừng hoạt động tại tất cả 50 cửa hàng ở Nga vào cuối tháng 3 năm 2022 và ngừng bán hàng trực tuyến sau khi bùng nổ chiến sự ở Ukraine. "Chúng tôi gần đây đã phải đối mặt với một số khó khăn, bao gồm thách thức trong vận hành và tình hình xung đột ngày càng tồi tệ hơn," nhà bán lẻ này giải thích trong thông cáo. Đây là hành động “quay xe” đột ngột của tập đoàn này khi trước đó ít lâu, ông Tadashi Yanai, tỷ phú sáng lập tập đoàn Fast Retailing, cam kết Uniqlo sẽ không rời Nga.
"Quần áo là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Người dân Nga có quyền sống, sinh hoạt giống như chúng ta", ông Tadashi Yanai nói vào thời điểm đó, trước khi quyết định bị đảo ngược. Ông Yanai cho biết ông đã đặt câu hỏi cho xu hướng áp lực khiến các công ty phải đưa ra các quyết định mang tính chính trị. Theo đó, mặc dù ông phản đối chiến tranh và kêu gọi tất cả các quốc gia phản đối lại cuộc chiến này, ông mong muốn toàn bộ 50 cửa hàng Uniqlo tại Nga vẫn sẽ tiếp tục hoạt động.
Trong năm 2022, hãng bán lẻ thời trang này đã giảm lượng hàng tồn kho trực tuyến của mình để bù đắp khoản lỗ hơn 10 tỷ Ruble (130 triệu USD), do phải trả tiền thuê mặt bằng cho các cửa hàng đã đóng cửa. Theo dữ liệu từ Uniqlo Rus, công ty đã kiếm được 12 tỷ Ruble (156,2 triệu USD) vào năm 2022. Các doanh nghiệp Nhật Bản ban đầu áp dụng cách tiếp cận chờ các động thái của Nga, nhưng áp lực quốc tế ngày càng tăng, rủi ro về uy tín và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã buộc một số lượng lớn các công ty phải rút khỏi Nga.
Nhật báo kinh doanh Kommersant ngày 8/4 đưa tin, mức thiệt hại đối với các công ty bán lẻ đã bán tài sản ở Nga và rời khỏi đất nước này hoàn toàn có thể lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD. Trong số những bên chịu khoản thua lỗ lớn nhất có gã khổng lồ nội thất Thụy Điển IKEA, mất khoảng 400 triệu USD và thương hiệu quần áo H&M, mất khoảng 363 triệu USD. Tập đoàn thời trang của Tây Ban Nha Inditex, chủ sở hữu của các thương hiệu như Zara, Bershka và Massimo Dutti, chịu khoản lỗ khoảng 300 triệu USD.
Nhà bán lẻ đồ thể thao Pháp Decathlon chịu khoản lỗ khoảng 140 triệu USD, trong khi thương hiệu thời trang Moncler của Italy và Hermes của Pháp cùng ghi nhận mức lỗ khoảng 200 triệu USD. Với các công ty bán lẻ đã tạm ngừng hoạt động tại Nga nhưng vẫn chưa hoàn thành ý định rời đi, thiệt hại được ước tính khoảng 500 - 700 triệu USD.
Theo Kommersant, nhà sản xuất quần áo Nhật Bản Uniqlo có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì công ty này vốn ghi nhận doanh số bán hàng tại Nga tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây, đạt doanh thu 26,9 tỷ Ruble (333 triệu USD) vào năm 2021, tăng 35% so với năm 2020 và 38% so với năm 2019.
Hồi tháng 4 vừa qua, Fast Retailing công bố kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy lợi nhuận hoạt động của họ đạt 103 tỷ yên (760 triệu USD) trong 3 tháng kết thúc vào tháng 2, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này cũng đạt được những kết quả tốt khác: Cổ phiếu của công ty tăng 53% trong 12 tháng qua, biến đây trở thành cổ phiếu của 1 công ty lớn hoạt động tốt nhất ở Nhật Bản. Cổ phiếu công ty này hiện chỉ thấp hơn 10% so với mức cao nhất mọi thời đại lập được hồi tháng 2/2021. Và với vốn hoá thị trường 76 tỷ USD, Uniqlo hiện là tập đoàn lớn thứ 6 tại Nhật Bản.
Doanh thu của Uniqlo International tại các thị trường ngoài Nhật Bản là 755,2 tỷ Yên (5,5 tỷ USD) trong giai đoạn sáu tháng cuối (kết thúc vào tháng 2/2023). Tỷ lệ tăng là 27,3% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của công ty mẹ Fast Retailing – nơi cũng sở hữu thương hiệu tên tuổi như Theory và Helmut Lang. Lợi nhuận trên toàn tập đoàn tăng 30,9 tỷ Yên (226 triệu USD), trong đó Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm 80% mức tăng này, theo báo cáo thu nhập tháng 2/2023.
Giám đốc tài chính của Fast Retailing Takeshi Okazaki cho biết Uniqlo đang trên đà mở 20 đến 30 cửa hàng mới ở châu Âu và Bắc Mỹ mỗi năm. Công ty có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng ở Bắc Mỹ lên 200 vào năm 2027 (con số cửa hàng hiện tại là 63). Nhà bán lẻ có trụ sở tại Tokyo cũng đang lên kế hoạch cải tạo cửa hàng Flagship ở Paris và sẽ mở một cửa hàng Flaghip với ba tầng lầu tại Luxembourg — cũng là cửa hàng đầu tiên ở đây — vào mùa thu năm nay. “Thị phần của chúng tôi Châu Âu và Mỹ vẫn còn rất nhỏ, và chúng tôi cảm thấy có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa”, ông Okazaki nói.