November 11, 2024 | 11:48 GMT+7

Đề xuất khung pháp lý chính thức cho Mobile Money trước giờ G

Thủy Diệu -

Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile Money từ khi triển khai thí điểm đến cuối tháng 9/2024 của ba doanh nghiệp viễn thông (gồm Viettel, VNPT, MobiFone) đã đạt 5.684 tỷ đồng. Sau ngày 31/12/2024, nếu chưa có quy định pháp lý, chính sách quản lý phù hợp, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm có khả năng sẽ phải tạm dừng cung ứng dịch vụ này...

Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile Money của khách hàng từ khi triển khai thí điểm đến cuối tháng 9/2024 là hơn 1,8 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 305 tỷ đồng - Ảnh minh họa.
Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile Money của khách hàng từ khi triển khai thí điểm đến cuối tháng 9/2024 là hơn 1,8 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 305 tỷ đồng - Ảnh minh họa.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước xây dựng và đang lấy ý kiến. Trong đó, báo cáo dự thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money, theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cho biết: sau gần ba năm triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đã đạt được một số kết quả nhất định; đồng thời các bộ, cơ quan liên quan (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an) đã chủ động, phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 316.

Báo cáo cho biết tính đến cuối tháng 9/2024, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money của VNPT-Media là 2.102.462 khách hàng, trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 1.512.141 khách hàng (chiếm 71,92% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ tại các điểm kinh doanh đạt 362.338 khách hàng (chiếm 17,23% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ), số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ qua ứng dụng đạt 1.740.124 khách hàng (chiếm 82,77% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ). Tổng số tài khoản Mobile Money đang hoạt động ở thời điểm 30/9/2024 của VNPT-Media là 390.967 tài khoản (chiếm 18,6% so với số lượng tài khoản đăng ký).

HƠN 5.600 TỶ ĐỒNG GIÁ TRỊ GIAO DỊCH QUA MOBILE MONEY

Về phát triển điểm kinh doanh, VNPT-Media đã thiết lập được 3.452 điểm kinh doanh, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 2.381 điểm (chiếm 68,97% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập). 100% điểm kinh doanh của VNPT-Media là điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khác do VNPT-Media ký hợp đồng ủy quyền. Đối với việc phát triển đơn vị chấp nhận thanh toán, VNPT-Media đã thiết lập được 94.025 điểm, trong đó chủ yếu là các đơn vị chấp nhận thanh toán cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, thu phí không dừng, viễn thông và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia…

Tổng số dư tài khoản Mobile Money của VNPT-Media đến cuối tháng 9/2024 là hơn 11,9 tỷ đồng, tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 là hơn 16,7 tỷ đồng. Theo đó, VNPT-Media đã đảm bảo được việc duy trì số dư trên tài khoản đảm thanh toán lớn hơn số dư của tất cả các tài khoản Mobile Money của khách hàng.

Đề xuất khung pháp lý chính thức cho Mobile Money trước giờ G - Ảnh 1

Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile Money của khách hàng từ khi triển khai thực hiện thí điểm đến cuối tháng 9/2024 (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 8,57 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch khoảng 2.049 tỷ đồng.

Tương tự với Viettel, đến cuối tháng 9/2024, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money của Viettel là 7.250.105 khách hàng, trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 5.349.497 khách hàng (chiếm 73,79% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ); 100% khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ thông qua ứng dụng di động. Tổng số tài khoản Mobile Money đang hoạt động đến cuối tháng 9/2024 của Viettel là 6.147.901 tài khoản (đạt tỷ lệ 84,80% so với số lượng tài khoản đăng ký).

Đến cuối tháng 9/2024, Viettel đã thiết lập được 7.622 điểm kinh doanh, trong đó: số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 4.628 điểm (chiếm 60,72% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập). 100% điểm kinh doanh của Viettel là các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khác (là pháp nhân do Viettel ký hợp đồng ủy quyền).

Nhà mạng này cũng thiết lập được 181.751 đơn vị chấp nhận thanh toán, trong đó chủ yếu là các đơn vị chấp nhận thanh toán cung ứng hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực thương mại, tài chính, điện, giáo dục. Tổng số lượng thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ tại đơn vị chấp nhận thanh toán bằng dịch vụ Mobile Money tính đến cuối tháng 9/2024 là hơn 97,45 triệu giao dịch với giá trị gần 788 tỷ đồng.

Tổng số dư tài khoản Mobile Money của Viettel đến cuối tháng 9/2024 là hơn 49,62 tỷ đồng, tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 của Viettel là hơn 81,5 tỷ đồng. Theo đó, Viettel đã đảm bảo được việc duy trì số dư trên tài khoản đảm thanh toán lớn hơn số dư của tất cả các tài khoản Mobile Money của khách hàng.

Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile Money của khách hàng từ khi triển khai thí điểm đến cuối tháng 9/2024 (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là gần 148,71 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch là hơn 3.330 tỷ đồng.

Nhà mạng còn lại cung cấp dịch vụ Mobile Money là MobiFone. Theo báo cáo, đến cuối tháng 9/2024, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money của MobiFone là 521.257 khách hàng, trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 220.951 (chiếm 42,39% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ); 100% khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ thông qua ứng dụng di động.

Tổng số tài khoản Mobile Money đang hoạt động đến cuối tháng 9/2024 của MobiFone là 22.843 tài khoản (đạt tỷ lệ 4,38% tài khoản đăng ký).
MobiFone đã thiết lập được 865 điểm kinh doanh (không thay đổi so với báo cáo kỳ VI), trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 520 điểm (chiếm 60,12% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập). Điểm kinh doanh của MobiFone chủ yếu là các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do MobiFone thiết lập (chiếm 74,8%).

Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán của MobiFone được thiết lập đến cuối tháng 9/2024 là 194 đơn vị chấp nhận thanh toán. Tổng số lượng giao dịch thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ tại đơn vị chấp nhận thanh toán bằng dịch vụ Mobile Money từ khi triển khai thí điểm đến cuối tháng 9/2024 khoảng hơn 1,3 triệu giao dịch với giá trị hơn 111 tỷ đồng.

Tổng số dư tài khoản Mobile Money của MobiFone đến cuối tháng 9/2024 là gần 1,412 tỷ đồng; tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 của MobiFone là hơn 2,671 tỷ đồng. Theo đó, MobiFone đã đảm bảo được việc duy trì số dư trên tài khoản đảm thanh toán lớn hơn số dư của tất cả các tài khoản Mobile Money của khách hàng.

Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile Money của khách hàng từ khi triển khai thí điểm đến cuối tháng 9/2024 là hơn 1,8 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 305 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng tài khoản Mobile Money sau gần ba năm thực hiện thí điểm là hơn 9,87 triệu tài khoản, dịch vụ Mobile Money đã góp phần: (1) cung ứng một kênh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện cho khách hàng (thay vì phải trực tiếp đến ngân hàng thực hiện giao dịch hay phải mang theo tiền mặt, khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các điểm kinh doanh gần nhất); (2) khách hàng có thể sử dụng dịch vụ 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động.

(3) thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay; (4) do có tác dụng cộng hưởng, người sử dụng dần quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt và sẽ sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng khác (ví dụ như: thanh toán qua tài khoản ngân hàng), đặc biệt là với các giao dịch thanh toán có giá trị lớn. Đối với các khách hàng đã có tài khoản ngân hàng sẽ có thêm các lựa chọn sử dụng để thanh toán, phù hợp hơn với mục tiêu thanh toán có giá trị nhỏ.

Sử dụng tài khoản Mobile Money góp phần loại bỏ dần việc sử dụng thẻ cào viễn thông trong nền kinh tế, tiết kiệm chi phí xã hội cho việc in ấn, sử dụng thẻ cào viễn thông; cũng như tránh việc lợi dụng, sử dụng cho các mục đích thanh toán bất hợp pháp; kiểm soát, không để phát sinh lượng tiền tệ từ việc sử dụng thẻ cào, đảm bảo ổn định an ninh, tiền tệ quốc gia.

CẦN SỚM HOÀN THIỆN PHÁP LÝ

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong quá trình giám sát số dư tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile Money của ba doanh nghiệp thực hiện thí điểm, chưa phát hiện vi phạm về việc đảm bảo số dư trên các tài khoản đảm bảo thanh toán được duy trì lớn hơn so với tổng số dư tất cả các tài khoản Mobile Money của các khách hàng tại cùng một thời điểm.
Về hoạt động phòng, chống rửa tiền, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money.

 
Dịch vụ Mobile Money sau thời gian triển khai thí điểm đã đạt được các kết quả khả quan và đảm bảo an toàn, góp phần vào thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tiếp tục được triển khai một cách an toàn, không xảy ra biến tướng, không vi phạm các hành vi bị cấm. Qua công tác quản lý, giám sát và kiểm tra các doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa phát hiện và chưa nhận được báo cáo về việc sử dụng dịch vụ Mobile Money liên quan đến các hoạt động vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp.
Đánh giá của Bộ Công an cho biết trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile Money, Bộ chưa phát hiện hoạt động lợi dụng dịch vụ Mobile Money vào các hành vi vi phạm pháp luật.

Dịch vụ Mobile Money sau thời gian triển khai thí điểm đã đạt được các kết quả khả quan và đảm bảo an toàn, góp phần vào thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, dịch vụ này được triển khai thí điểm theo quy định tại Quyết định 316, chưa có hành lang pháp lý chính thức nên các tổ chức triển khai rất thận trọng, phần nào ảnh hưởng đến các quyết định tăng ngân sách đầu tư cho phát triển dịch vụ. Do vậy, theo cơ quan quản lý, cần bổ sung quy định pháp lý về dịch vụ Mobile Money để các tổ chức có cơ sở triển khai đầu tư, hoạt động.

Theo các nhà mạng triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, việc thực hiện thí điểm dịch vụ MobileMoney được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024, sau thời điểm này các doanh nghiệp thực hiện thí điểm sẽ phải tạm dừng cung ứng dịch vụ nếu chưa có quy định pháp lý, chính sách quản lý phù hợp. Do đó, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, ban hành hành lang pháp lý chính thức, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ sau thời gian thí điểm.

Quy định thuê bao phải kích hoạt và sử dụng trong 3 tháng liền kề mới được đăng ký sử dụng dịch vụ khiến những khách hàng chuyển mạng giữ số, hòa mạng mới… có nhu cầu sử dụng dịch vụ phải chờ đợi 3 tháng mới được sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp viễn thông đề xuất mở rộng đối tượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money (không bị giới hạn bởi điều kiện số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money) để những khách hàng có nhu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ không phải chờ đợi.

Đối với hạn mức giao dịch, do quy định hiện nay là không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cho rằng chưa phù hợp với thu nhập và hoạt động kinh doanh của người dân hiện nay, chưa thu hút được khách hàng, khách hàng không nhận thấy được lợi ích, tính thuận tiện của Mobile Money so với các dịch vụ khác. Vì vậy, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đề xuất tăng hạn mức giao dịch lớn hơn 10 triệu đồng/tháng/tài khoản MobileMoney cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đề xuất khung pháp lý chính thức cho Mobile Money trước giờ G - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate