Vừa qua, Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc đã có đơn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh hỗ trợ mở rộng tuyến vận tải hành khách từ Trà Vinh đi Côn Đảo.
Bến cảng tàu khách Côn Đảo có tổng mức đầu tư 158,4 tỷ đồng vừa chính thức đưa vào khai thác thử nghiệm đón tàu từ ngày 06/4/2023, được Cục Hàng hải Việt Nam cấp phép đưa vào sử dụng từ đầu tháng 3/2023.
Sau hai tháng đưa vào khai thác, cảng đều đặn đón từ 2 đến 3 chuyến tàu mỗi ngày, trung bình khoảng 1.000 lượt khách/ngày qua cảng. Bến cảng nằm ở trung tâm huyện Côn Đảo vì vậy việc vận hành bến cảng tàu khách Côn Đảo được đánh giá thuận tiện cho du khách.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến nay có hai địa phương có tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo là Cần Thơ và Sóc Trăng. Tuyến Cần Thơ – Côn Đảo do Công ty cổ phàn Mai Linh Tây Đô khai thác, với tàu cao tốc Mai Linh Express. Tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo do Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc Express, tàu khai thác là tàu Côn Đảo Express.
Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc Express đã đề nghị tỉnh Trà Vinh giới thiệu một vị trí tiềm năng để đầu tư xây dựng cảng đón trả khách. Cụ thể, vị trí xây dựng cảng cần gần huyện Côn Đảo nhất có thể để rút ngắn lộ trình; đồng thời có điểm kết nối giao thông đường bộ thông suốt.
Về mặt kỹ thuật, phía doanh nghiệp đề xuất khu vực chọn làm bến cảng cần có luồng hoạt động không bị giới hạn tốc độ, độ sâu tự nhiên tối thiểu âm (-2,5 m), gần cửa biển. Doanh nghiệp cũng mong muốn được thuận lợi khi thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành và khai thác.
Về phía địa phương, Ủy ban nhân dân Trà Vinh cho biết sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai đầu tư, khai thác tuyến vận tải hành khách này; đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với các huyện, thị xã trong tỉnh thống nhất lựa chọn địa điểm phù hợp theo gợi ý đề xuất của doanh nghiệp. Các vị trí được doanh nghiệp đề xuất ở các huyện ven biển như Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang.
Trà Vinh là tỉnh ven biển và cùng với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu,… án ngữ vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm giao thông vận tải như cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 53, 54, 60. Cùng với dự án luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, dự án khu bến cảng biển tổng hợp Định An,… đã góp phần đưa Trà Vinh “thoát khỏi” vị thế là tỉnh nghèo và khó khăn nhất nhì miền Tây Nam Bộ.
Ngành du lịch Trà Vinh đã có những bước phát triển đột phá. Gần đây, tỉnh này đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng... hình thành nên các tuyến du lịch được các doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh lựa chọn là tham quan khi đến với đồng bằng sông Cửu Long. Du lịch la một trong ba ngành đột phá về kinh tế của Trà Vinh, được Tỉnh ủy Trà Vinh xây dựng; theo đó, du lịch Trà Vinh đến năm 2030 trở ngành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.