June 19, 2024 | 10:49 GMT+7

Đề xuất mới của Chính phủ trong việc giải quyết chế độ lương hưu ở doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Thu Hằng -

Chính phủ đề xuất được quyết định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm không còn khả năng đóng trước ngày 1/7/2024...

Ban hành các quyết định thanh tra doanh nghiệp, đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Thu Hiền.
Ban hành các quyết định thanh tra doanh nghiệp, đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Thu Hiền.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, Chính phủ đề xuất cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo đó, Chính phủ đề xuất được quyết định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1/7/2024. Nguồn kinh phí thực hiện từ lãi phạt chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Lý giải cho đề xuất này, Chính phủ cho biết đây là quy định mới được bổ sung so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Nội dung chính sách mới này liên quan đến việc ghi nhận thời gian chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của giai đoạn đến trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.

Quy định nhằm giải quyết chế độ hưu trí và tử tuất, tức giải quyết tồn tại liên quan đến các đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động mà thiếu tiền đóng bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng đây là vấn đề rất phức tạp. Việc đề xuất cơ chế xử lý cần được đánh giá tác động, cũng như rà soát, cập nhật số liệu chính xác, cụ thể đối với từng người lao động về thời gian, và số tiền chậm đóng, trốn đóng.

Do đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đặc biệt tránh “tác dụng ngược”, tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp “cố tình” trốn đóng bảo hiểm xã hội, Chính phủ đề nghị Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chỉ quy định nguyên tắc, giao Chính phủ quyết định, nguồn kinh phí thực hiện từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp khi vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất việc tách riêng các điều quy định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng và các biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các điều 39, 40, 41 và 42.

Theo đó, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Riêng với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, ngoài các hình thức xử phạt trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội, có khoảng 206.000 người lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản; đã có quyết định phá sản của Tòa án; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; và không có người đại diện theo pháp luật. Số nợ đóng bảo hiểm này gần như không có khả năng thu hồi.

Về phương án xử lý, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã giải quyết theo hướng ghi nhận thời gian người lao động được đóng đến đâu hưởng đến đó và không tính thời gian bị nợ. Nếu sau này doanh nghiệp đóng bù số nợ, hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì người lao động tiếp tục được ghi nhận thêm.

Tính đến tháng 6/2023, đã có 30.241 người lao động được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần; hơn 34.500 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng, đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.

Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate