Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về việc giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.
Trước đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã cũng đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thống nhất với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, và để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp đang chậm đóng bảo hiểm xã hội (phá sản; đang làm thủ tục phá sản; ngừng hoạt động; không còn người đại diện theo pháp luật), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
Theo đó, đối với trường hợp đã đủ điều kiện thì sẽ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bao gồm lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, tử tuất cho người lao động.
Đồng thời, xác nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới, hoặc bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, và đảm bảo chế độ cho người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ cho hay tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Đơn cử như: Quy định cụ thể 2 hành vi, chậm đóng bảo hiểm xã hội và trốn đóng bảo hiểm xã hội; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế).
Quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, mà vẫn không đóng, hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng.
Đặc biệt, cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố, đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động, nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trước đó, trong năm 2023, việc triển khai chiến dịch thanh tra về lĩnh vực bảo hiểm xã hội là một trong những giải pháp giảm tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thúc đẩy thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành và ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Một số trường hợp đã chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra xử lý.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thanh tra của ngành tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…; thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật lao động tại các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật lao động; tiếp tục triển khai, hướng dẫn tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động thông qua trang thông tin điện tử.