Tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và thảo luận tại tổ về dự án luật này.
BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH RIÊNG VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẤU GIÁ ĐỐI VỚI TÀI SẢN ĐẶC THÙ
Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu một số nội dung được sửa đổi, bổ sung, như bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá nhằm tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần phát triển nguồn đấu giá viên.
Điểm mới nữa là sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính của quy chế cuộc đấu giá, như quy định thời gian bắt đầu và kết thúc việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước, bước giá, việc trả giá, phiếu trả giá hợp lệ, không hợp lệ, thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc… và việc công khai Quy chế cuộc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.
Dự thảo cũng bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án như về thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá (thời gian niêm yết dài hơn so với tài sản thông thường).
Cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền, theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất; việc người có tài sản đấu giá xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá.
Nội dung sửa đổi còn có việc dừng, hủy bỏ việc tổ chức đấu giá trong một số trường hợp; bổ sung Điều mới quy định nguyên tắc điều hành cuộc đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để đảm bảo phù hợp với thông lệ của các nước trên thế giới.
Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù trong thời gian qua, góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản, nhất là tài sản công.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành.
Về tài sản đấu giá, dự thảo luật liệt kê các tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm “nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy mặc dù Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức nhưng việc quy định về tài sản đấu giá là cần thiết và phù hợp với các pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự rõ ràng, tránh khoảng trống về mặt pháp lý.
Có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định tại điều này theo hướng không liệt kê như dự thảo Luật, vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn khi luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành (ví dụ như đất đai, viễn thông, tần số vô tuyến điện, khoáng sản...) phải sửa đổi, bổ sung; đồng thời khó dự liệu hết những loại tài sản mới sẽ phát sinh trong tương lai…
Về quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước vẫn còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định tỉ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.
ĐÃ XUẤT HIỆN HIỆN TƯỢNG THAO TÚNG GIÁ KHỞI ĐIỂM TRONG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, trong tình hình phát triển chung của đất nước, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về trình tự, thủ tục đấu giá.
Một số quy định chưa phù hợp thực tiễn (thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, quy định về tiền đặt trước); chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa hiệu quả, còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; cơ chế kiểm soát việc đấu giá bộc lộ một số vướng mắc,...
Do vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đánh giá sát tình hình thực tiễn để thể chế hóa các quy định của Luật cho thật sự chặt chẽ, đảm bảo khi luật có hiệu lực phải khắc phục được tình trạng hiện nay đang xảy ra đó là phương pháp xác đinh giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường; tình trạng ép giá, thổi giá; quân xanh, quân đỏ, năng lực của đấu giá viên và tổ chức đấu giá chưa đáp ứng yêu cầu đấu giá…
Đại biểu đoàn Điện Biên Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu ý kiến có nội dung còn chưa thật phù hợp với thực tiễn phát sinh, nhất là đối với một số tài sản đặc thù, hay cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp cụ thể.
Về trình tự, thủ tục đấu giá, theo đại biểu, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện...
Tuy nhiên, có lẽ dự án luật chưa quy định rõ ràng về đấu giá tài sản hình thành trong tương lai, dự án bất động sản là các căn hộ, nhà ở… mà người mua đã đặt cọc, hay thanh toán một phần giá trị tài sản theo hợp đồng, đấu giá về quyền sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế, giải pháp, phần mềm, công nghệ…
Đại biểu Yên thông tin, “thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo nhằm thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo…”.
Vì vậy, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.
Đồng tình với quy định này nhưng đại biểu cũng nêu trong thực tế, khi hành vi của các chủ thể trong diễn biến của các phiên đấu giá đã cho thấy sự không bình thường, hoặc quá vô lý thì chưa thấy có quy định phải làm gì, hoãn, hoặc dừng phiên đấu giá để phân tích, đánh giá tình hình.
Đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị cần phân tích, làm rõ những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến sự không thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu giá và quản lý thuế, tài chính, tín dụng doanh nghiệp, nhất là về điều kiện đăng ký tham gia đấu giá, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá.
Theo đại biểu, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá thì không đủ để ngăn chặn những hành vi mang tính chất thao túng thị trường, đầu cơ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Do đó, cần có một giải pháp mang tính tổng thể hơn đối với các chính sách về tín dụng, đất đai, doanh nghiệp, và đấu giá tài sản để giải quyết các tồn tại này…
Để tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành, hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia… “Đây là những quy định rất mới, theo hướng công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.