Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (Nghị định số 08/2021).
NHIỀU QUY ĐỊNH GÂY LÃNG PHÍ THỜI GIAN, CÔNG SỨC CỦA DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN
So với quy định hiện hành, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với hoạt động thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, khai thác, sử dụng đường thủy nội địa.
Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành quan trọng trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, nâng cao giá trị hiệu lực pháp lý trong hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành đường thủy nội địa, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa nói chung và cảng, bến thuỷ nội địa nói riêng thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Bộ Giao thông vận tải cho biết Nghị định số 08/2021 đã thực hiện phân cấp cho Sở Giao thông vận tải các thủ tục thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng, bến thủy nội địa; thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính; công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa; công bố hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính; công bố lại và gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa...
Tuy nhiên, nhiều quy định gây lãng phí kinh phí, thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp khi phải tới cấp tỉnh để thực hiện các thủ tục hành chính.
Đồng thời, không phát huy được các nguồn lực của địa phương trong việc chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là khi trình độ của cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương ngày một nâng cao.
ĐẨY MẠNH PHÂN QUYỀN
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam luôn tham vấn ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định. Sau khi Nghị định được ban hành, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm thi hành chính sách, giám sát và đánh giá việc thi hành chính sách.
Sau khi tham vấn các bên liên quan, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 Nghị định số 08/2021 theo hướng phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục từ Sở Giao thông vận tải về Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với thủ tục về: công bố hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính (mã TTHC: 1.009455); công bố hoạt động bến thủy nội địa (mã TTHC: 1.009454); công bố lại hoạt động bến thủy nội địa (mã TTHC: 1.003658); thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính (mã TTHC: 1.009453).
"Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 Nghị định số 08/2021 theo hướng phân cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý", Bộ Giao thông vận tải đề xuất.
Việc sửa đổi quy định tại Nghị định số 08/2021 theo hướng phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính nhằm cụ thể hoá nội dung Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 10 Điều 18, khoản 4 Điều 20 Nghị định số 08/2021 và thay thế Mẫu số 13, Mẫu số 16 Nghị định 08/2021/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật cũng như nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cho rằng cần bổ sung các quy định chuyển tiếp để đảm bảo tính thống nhất, liên tục của pháp luật và thuận lợi cho tổ chức, các nhân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.