Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định các hình thức đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội gồm: Mua trái phiếu Chính phủ; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cho ngân sách nhà nước vay.
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội về một trong các hình thức đầu tư từ quỹ: Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đề nghị sửa lại theo hướng bỏ nội dung “của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, cơ quan này không thực hiện xếp loại tín nhiệm các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chỉ xếp hạng tổ chức tín dụng như một biện pháp giám sát ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (đã sửa đổi, bổ sung), nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý trong quá trình thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Hoạt động xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước không phục vụ cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư (như trường hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Ngoài ra, thông tin về xếp hạng tổ chức tín dụng nếu bị công khai rộng rãi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các tổ chức tín dụng, gây bất bình đẳng trong hệ thống các tổ chức tín dụng, dẫn đến mất an toàn của hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, về bản chất, việc xếp loại tín nhiệm đối với các ngân hàng thương mại ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam do một số tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế (như Moody’s, Standard & Poor và Fitch Rating,...) thực hiện.
Hiện tại, có khoảng 20 ngân hàng thương mại được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp loại tín nhiệm theo các tiêu chí, chuẩn mực của từng tổ chức xếp loại tín nhiệm và kết quả xếp loại tín nhiệm của các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế đối với ngân hàng thương mại được công bố công khai.
Việc xếp loại tín nhiệm được thực hiện thông qua đánh giá các hệ số tín nhiệm như: Xếp loại nhà phát hành công cụ nợ, xếp loại tín nhiệm cơ sở, xếp loại tiền gửi dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ, đánh giá rủi ro đối tác, xếp loại rủi ro đối tác,...
Kết quả xếp loại tín nhiệm của các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế đối với các ngân hàng thương mại là cơ sở để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư, hoặc thực hiện giao dịch tài chính với ngân hàng thương mại được xếp loại tín nhiệm (tương tự như hoạt động đầu tư, gửi tiền của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại các ngân hàng thương mại).
Để hoạt động đầu tư, gửi tiền của Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm an toàn, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể tham khảo kết quả xếp loại tín nhiệm đối với các ngân hàng thương mại do tổ chức quốc tế thực hiện, báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập hằng năm của các ngân hàng thương mại (được công khai).
Cho ý kiến về nội dung trên, Bộ Tư pháp đánh giá, việc dự thảo Luật quy định về hình thức đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội: “Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” thực chất là giữ nguyên như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 58 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định biện pháp: “xếp hạng các tổ chức tín dụng hàng năm” là nội dung giám sát ngân hàng. Đồng thời, các Điều 130a và 145 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về việc áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp kiểm soát đặc biệt nếu các tổ chức này có mức xếp hạng dưới trung bình, xếp hạng yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ Tư pháp cho rằng, theo các quy định nêu trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ ban hành văn bản quy định để xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng. Các Luật này không quy định về xếp hạng tín nhiệm ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định này trên thực tế thời gian qua cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, chưa xử lý được. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, khả thi, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi quy định này cho phù hợp.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến về nội dung trên, cơ quan soạn thảo Luật hiện vẫn đề nghị giữ nguyên như dự thảo quy định.
Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến cuối năm 2022, quy mô các Quỹ bảo hiểm xã hội đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 175 lần quy mô đầu tư năm 1998, gấp 2,1 lần quy mô các quỹ năm 2016 (năm đầu thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Giai đoạn 2014-2022, lãi suất đầu tư bình quân trong năm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn cao hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng. Lãi đầu tư thực dương, quỹ được bảo toàn giá trị và tăng trưởng. Quỹ Bảo hiểm xã hội đã trở thành quỹ tài chính công có quy mô lớn, góp phần tích cực phát triển thị trường vốn tại Việt Nam, đảm bảo ổn định lãi suất và thanh khoản tại thị trường trái phiếu Chính phủ.