November 11, 2022 | 16:04 GMT+7

Điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM

Xuân Thái -

Trong các phương án về hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua địa bàn TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương nghiên cứu một số phương án tuyến không đi trùng với quy hoạch hướng tuyến của dự án nhằm kéo giảm chi phí đầu tư…

Tuyến Vành đai 4 TP.HCM đoạn Bến Cát, Bình Dương.
Tuyến Vành đai 4 TP.HCM đoạn Bến Cát, Bình Dương.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi tiết tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, theo đó có tổng chiều dài 197,6 km đi qua địa bàn các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.

Đường Vành đai 4 qua địa phận TP.HCM đi qua hai huyện Củ Chi và Nhà Bè. Dự án có điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và điểm cuối tại cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 29/9/2021 cũng đã có văn bản giao các địa phương liên quan (địa phương dự án) làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần của dự án đường Vành đai 4 TP.HCM. Theo đó, TP.HCM triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km.

Riêng đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước, bao gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM có chiều dài khoảng 71 km, do Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.

Kiến nghị của Sở Giao thông vận tải TP.HCM nêu ra ba phương án hướng tuyến, mỗi phương án đều có ưu nhược điểm; song quan điểm là phương án nào tối ưu nhằm giảm chi phí đầu tư, bao gồm cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể:

Phương án 1: Cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch của dự án. Hướng tuyến này có chiều dài 17,35 km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 154,49 ha, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.791 tỷ đồng. Hiện trạng: Khoảng 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu.

Ưu điểm là diện tích cần giải phóng mặt bằng ít nhất nhưng số hộ di dời nhiều nên chi phí giải phóng mặt bằng cao nhất so với các phương án khác.

Phương án 2: Sở Giao thông vận tải kiến nghị nắn chỉnh đoạn đầu 9,7 km về phía nam, từ 0 m đến 160 m, tránh đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rảnh hiện hữu. Đoạn kế tiếp dài 3,7 km nắn về phía nam từ 0 -120 m, tránh đường Trung Viết, đường Cao Thị Bèo hiện hữu. Đoạn còn lại dài gần 3,9 km trùng tim quy hoạch. Chiều dài tuyến là 17,29 km, diện tích cần giải phóng mặt bằng 154,05 ha.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 13.803 tỷ đồng. Ưu điểm: Hướng tuyến cơ bản tránh các đường hiện hữu, số hộ di dời ít, chi phí giải phóng mặt bằng giảm và không ảnh hưởng đến kết nối giao thông khu vực.

Phương án 3: Nắn chỉnh đoạn 14,1 km tuyến về phía nam từ 0 - 1.300 m, tránh các tuyến đường hiện hữu. Đoạn 2,5 km còn lại trùng tim quy hoạch. Với phương án này, chiều dài tuyến là 16,75 km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 150 ha. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 13.631 tỷ đồng.

Ưu điểm: Hướng tuyến tránh xa các đường giao thông hiện hữu, số hộ di dời ít nhất, chi phi giải phóng mặt bằng thấp nhất và thuận tiện có thể kết nối đường khu vực vào hai tuyến cao tốc (cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Bến Lức – Long Thành).

Sơ đồ quy hoạch dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.
Sơ đồ quy hoạch dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.

Ngoài ba phương án về hướng tuyến nói trên, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng kiến nghị TP.HCM đảm nhận xây thêm hạng mục cầu vượt kênh Thầy Cai nối TP HCM - Long An (thuộc thẩm quyền triển khai của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An - NV) để dự án được đồng bộ.

Vào tháng 5/2022, chính quyền cùng các sở, ngành liên quan của năm địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Đòng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An đã có cuộc họp chung, cùng thống nhất cuối năm 2022 sẽ hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, quyết định chủ trương đầu tư tháng 3/2023. Khởi công dự án trong năm 2024 và đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2028…

Cũng theo văn bản ngày 29/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km. Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai triển khai dự án đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km. Tỉnh Bình Dương triển khai đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài 49 km. 

 

Đường Vành đai 4 TP.HCM là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực phía Nam, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm TP.HCM.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate