March 31, 2025 | 20:55 GMT+7

Điều chỉnh nhu cầu điện cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Chu Khôi -

Dự thảo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh vừa được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ với nhiều điểm mới. Trong đó, dự báo nhu cầu điện đã có điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số ở giai đoạn 2026-2030…

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025, với chủ đề "Năng lượng xanh, sạch kiến tạo Kỷ nguyên kinh tế mới".
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025, với chủ đề "Năng lượng xanh, sạch kiến tạo Kỷ nguyên kinh tế mới".

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025, với chủ đề "Năng lượng xanh, sạch - kiến tạo Kỷ nguyên kinh tế mới" do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) - đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về phát triển các nguồn điện tại Việt Nam. 

PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VẪN CHẬM

Ông Tuấn cho biết năm 2024, lượng điện tiêu thụ tăng 9,25% so với năm 2023, trong đó miền Bắc tăng trưởng cao hơn miền Nam. Trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam năm 2024, nguồn năng lượng tái tạo chiếm gần 55%, gần bằng với tỷ trọng năng lượng nước Đức. Trong đó, thuỷ điện chiếm 27,9%; nguồn điện ngoài thuỷ điện chiếm 27%.

Tỷ trọng các nguồn điện năm 2024.  Nguồn: Hiệp hội năng lượng Việt Nam.
Tỷ trọng các nguồn điện năm 2024.  Nguồn: Hiệp hội năng lượng Việt Nam.

“Chúng ta có thể tự hào Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ năng lượng tái tạo rất cao trong tổng công suất nguồn điện”, ông Tuấn khẳng định và nhấn mạnh thành quả này càng có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta thực hiện Quy hoạch điện 8 mới được gần 2 năm, từ tháng 5/2023. Trong khi đó, kế hoạch phân bổ công suất các nguồn năng lượng tái tạo chỉ mới được ban hành được một năm, từ 1/4/2024.

Theo ông Tuấn, Luật Điện lực sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, và Chính phủ cũng đã ban hành 3 Nghị định quan trọng để hướng dẫn Luật Điện Lực về các vấn đề: Nghị định hướng dẫn thực hiện quy hoạch phát triển điện lưới; Nghị định hướng dẫn mua bán điện trực tiếp; Nghị định về đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Gần đây nhất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đề xuất lên Bộ Công Thương về khung giá điện của năm 2025, trong đó có quy định cho tất cả các loại hình Nhà máy điện, từ điện khí, điện gió, điện mặt trời…

Nhiều văn bản Luật và Nghị định về Năng lượng được ban hành trong thời gian gần đây. Nguồn: Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.
Nhiều văn bản Luật và Nghị định về Năng lượng được ban hành trong thời gian gần đây. Nguồn: Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam trong thời gian qua chững lại do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do các kế hoạch ban hành chậm. Sau một năm Quy hoạch Điện 8 được phê duyệt, thì Kế hoạch mới được ban hành.

 

"Chúng tôi vẫn đánh giá khả năng thiếu điện trong giai đoạn 2026-2028  còn hiện hữu, do các nguồn điện của chúng ta tăng chậm, trong khi nguồn năng lượng tái tạo thì đang chững lại”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta xử lý và giải quyết quá chậm các dự án thiếu hoặc vi phạm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong đó có dự án chưa hoàn thành các thủ tục xây dựng, hoặc có quá trình hồi tố về mặt hưởng giá.

Thứ ba, mặc dù các quy định về điện gió ngoài khơi đã cụ thể hơn, đã chi tiết hơn, nhưng vẫn chưa đủ để triển khai được.

“Cho đến nay, vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được khởi động, cho nên chúng tôi đánh giá sẽ khó hoàn thành mục tiêu 6000 MW vào năm 2030”, ông Tuấn cảnh báo.

Thứ tư, mặc dù đã có định hướng chuyển đổi nhiệt điện than sang điện khí, thế nhưng hiện nay phát nguồn điện khí vẫn còn chậm. Trong năm 2024 còn thiếu cơ chế để chuyển ngang giá khí và sản lượng hợp đồng, khiến thời gian vận hành để đảm bảo được thu hồi vốn sẽ dài,  nên chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.

NHỮNG YẾU TỐ MỚI TRONG QUY HOẠCH ĐIỆN 8 ĐIỀU CHỈNH 

Ông Tuấn cho biết trong tháng 3/2025, sau khi Hội đồng thẩm định thông qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bản Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch điện 8, và chúng tôi rất hy vọng trong khoảng đầu tháng 4 này, Chính phủ sẽ thông qua điều chỉnh Quy hoạch điện 8.

Thông tin về những yếu tố mới trong Điều chỉnh Quy hoạch điện 8, ông Tuấn cho hay trước hết là dự báo nhu cầu điện đã có điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% ở năm 2025 và tăng trưởng hai con số ở giai đoạn 2026-2030. Trong dự thảo điều chỉnh, dự báo nhu cầu điện năng sẽ tăng 10-13% suốt từ nay đến năm 2030.

Về quy mô và cơ cấu nguồn điện, bản điều chỉnh có thay đổi theo hướng tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và nhà máy điện hạt nhân. Cụ thể, Quy hoạch điện 8 điều chỉnh tăng thêm quy mô điện mặt trời và điện gió và nguồn năng lượng tái tạo ngoài thuỷ điện được đánh giá chiếm từ 28-36% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030.

Một số mục tiêu trong Điều chỉnh Quy hoạch Điện 8. Nguồn: Hiệp hội năng lượng Việt Nam.
Một số mục tiêu trong Điều chỉnh Quy hoạch Điện 8. Nguồn: Hiệp hội năng lượng Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có 16.600 MW điện mặt trời các loại (gồm cả mặt trời mái nhà và mặt trời tập trung), và gần 6.000 MW điện gió. Mục tiêu trong Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, đến năm 2030: điện gió trên bờ và gần bờ tăng thêm so với hiện nay từ 4.100 cho đến 16.000 MW so với năm 2024; điện mặt trời tăng từ 25.000 MW -52.000 MW so với hiện nay.

 

"Những con số trong Quy hoạch điện 8 điều chỉnh cho thấy khối lượng của năng lượng tái tạo và khối lượng các dịch vụ hỗ trợ hệ thống điện, bao gồm tích năng, lưu trữ và linh hoạt đều tăng lên rất lớn so với Quy hoạch điện 8”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Đối với các nguồn điện linh hoạt, nguồn điện tích năng, trong Quy hoạch điện  8 chỉ đưa ra mục tiêu có 300 MW đến năm 2030. Trong bản Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, đến năm 2030, nguồn điện linh hoạt lên tới 2.000-3.000 MW; nguồn thuỷ điện tích năng từ 2.400- 6.000 MW; nguồn điện lưu trữ từ 10.000-16.000 MW. 

Với nhiệt điện than, ông Tuấn cho hay những nhà máy nào đã có trong quy hoạch và kế hoạch thì sẽ tiếp tục được xây dựng. Đến năm 2030 và 2035 vẫn còn nhiệt điện than, nhưng định hướng chuyển dần nhiệt điện than sang nhiệt điện khí có đốt kèm amonic, hoặc đốt kèm hydrogen. Đến năm 2050 hoàn toàn không còn nhiệt điện than. “Mục tiêu tỷ trọng 74-75% hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo trong hệ thống sản xuất nguồn điện vào năm 2050”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đối với phát triển các nhà máy điện hạt nhân, ông Tuấn cho hay sẽ không phải chỉ có dự án điện Ninh Thuận, mà sẽ phát triển liên tục các nhà máy điện hạt nhân để đến năm 2050 có quy mô 10.000-14.000 MW điện hạt nhân.

“Đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu chúng ta hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, tức là năm 2030. Nhưng chúng tôi đánh giá sẽ khó khăn với mốc này, vì chúng ta vừa "xếp hàng vừa chạy", sẽ rất nhiều việc phải làm, từ việc hoàn thiện các hành lang pháp lý cho điện hạt nhân, đến thiết lập các thực thể quản lý, trong khi chúng ta cũng chưa làm chủ được công nghệ hạt nhân”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

NHU CẦU VỐN CHO PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG RẤT LỚN

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết trong Quy hoạch điện 8 đưa ra con số nhu cầu vốn cho phát triển điện và hệ thống lưới truyền tải trong 10 năm (2021-2030) là 134 tỷ USD. Trong bản điều chỉnh Quy hoạch điện 8 đưa ra con số nhu cầu vốn từ nay đến năm 2030 là 136 tỷ USD, trong khi từ nay đến năm 2030 chỉ có khoảng 5,5 năm, tức là nhu cầu vốn hàng năm sẽ gấp đôi so với dự tính ban đầu.

“Nếu tính trung bình mỗi dự án điện gió và điện mặt trời trên bờ khoảng 50 MW, thì chúng ta sẽ có 400-600 dự án điện gió, 600-1.100 dự án điện mặt trời trong vòng 5 năm tới. Đây là con số rất lớn, cần rất nhiều nhân lực cho công tác chuẩn bị và công tác đầu tư, công tác đàm phán giá, thống nhất giá với các nhà đầu tư”, ông Tuấn chia sẻ.

Phân tích những thuận lợi trong phát triển năng lượng tái tạo, ông Tuấn cho rằng đó là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về chuyển dịch năng lượng, trung hoà carbon, chúng ta có rất nhiều hoạt động để thực hiện cơ chế, nhiều văn bản quy định mới được ban hành để hướng dẫn thực hiện.

Quy hoạch điện 8 sửa đổi đã đưa quy mô công suất các nguồn điện mặt trời và điện gió lên cao hơn rất nhiều, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư. Giá mua điện sẽ được áp dụng khác nhau theo miền, có nghĩa là đã xem xét đến tín hiệu đầu tư, giá thành sản xuất. Những nguồn điện ở gần nơi phụ tải hơn sẽ được có giá cao hơn để khuyến khích giảm truyền. Thời gian xây dựng các nguồn điện gió và điện mặt trời chắc chắn sẽ nhanh hơn các nguồn điện khác, do đó sẽ có khả năng đáp ứng một phần nhu cầu điện tăng thêm trong ngắn hạn.

Trong dự thảo sửa đổi cũng đưa ra quy mô công suất của nguồn thuỷ điện tích năng, pin lưu trữ và điện linh hoạt rất lớn. Cơ hội cho đầu tư vào loại hình dịch vụ mới là dịch vụ phụ trợ hệ thống điện sẽ rất rộng mở, tiếp đến là cơ hội đầu tư sản xuất các loại nhiên liệu mới như hydrogen xanh, amoniac.

Ông Tuấn nêu lên một số khuyến nghị. Đó là, cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, Luật Tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Đối với các văn bản dưới Luật, cần phải ban hành các quy định giá mua bán điện của các nguồn linh hoạt, giá mua bán điện thuỷ điện tích năng, làm cơ sở để hỗ trợ cho các phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới.

"Đối với điện mặt trời, nếu chúng ta chỉ phát triển điện mặt trời tập trung thì sẽ không đủ đất, vì vậy cần phải khuyến khích điện mặt trời mái nhà phát triển", ông Tuấn kiến nghị; đồng thời cho rằng cần phải giải quyết nhanh hợp tình, hợp lý với các dự án năng lượng tái tạo vướng mắc như trong thời gian vừa qua. Đó là câu chuyện 173 dự án vướng mắc trong việc thực hiện giá FIT, chậm thực hiện giá FIT, có như vậy mới gỡ bỏ được tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.

Theo ông Tuấn, với hàng trăm, hàng nghìn dự án cần được đầu tư trong những năm tới, chuyện đàm phán giá cho từng dự án sẽ rất phức tạp. Để giảm gánh nặng cho nhà đầu tư và EVN là người đàm phán, chúng tôi cho rằng nên soạn một biểu giá FIT mới, giá FIT linh hoạt để chúng ta áp dụng hàng loạt, sẽ giảm bớt được rất nhiều khối lượng đàm phán. Khi đã thực hiện theo một form mẫu, việc giám sát, kiểm tra, nghiệm thu sẽ thuận hơn.

"Chúng ta nên thực hiện cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt theo đầu vào, theo từng thời kỳ để tạo yên tâm cho các nhà đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh hệ thống nguồn và lưới điện”, ông Tuấn đề xuất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate