July 11, 2024 | 06:00 GMT+7

Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero: Triển vọng phát triển năng lượng mới

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero với chủ đề “Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times tổ chức với sự đồng hành của Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phát livestream vào lúc 9h ngày 11/07/2024 trên các nền tảng Vneconomy.vn, Fanpage VnEconomy, Youtube VnEconomy...

Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero: Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam.
Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero: Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam.

Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Các nguồn năng lượng truyền thống gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính.

Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng. Việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.

Cụ thể, con số Hiệp hội năng lượng đưa ra cho thấy nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện GĐ 2021-2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ US/năm), nhưng thực hiện ba năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ US/năm), trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ US/năm) là thách thức lớn.

Hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo biến đổi (điện mặt trời và gió); vận hành khó khăn (thiếu nguồn linh hoạt, hệ thống lưu trữ năng lượng). Chúng ta còn thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi. Vướng mắc khi thỏa thuận hợp đồng mua bán điện với các dự án điện LNG. Thị trường điện chậm triển khai; giá điện chưa linh hoạt theo yếu tố đầu vào…

Trong khi đó, công nghệ - nhiên liệu xanh cho công nghiệp và giao thông vận tải như công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thị trường hóa; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon còn nhiều thách thức, giá thành cao…

Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo chưa được hoàn thiện. Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu… chưa được ban hành. Các quy định về huy động các nguồn điện linh hoạt, khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ (BESS) và thủy điện tích năng… chưa có.

Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero: Triển vọng phát triển năng lượng mới   - Ảnh 1

“Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero” với mục tiêu hội tụ các bên liên quan cùng cập nhật, chia sẻ thảo luận, qua đó tiếp tục nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch của các quốc gia trên thế giới, làm cơ sở tham khảo cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (NetZero) của Việt Nam. 

Diễn đàn được cấu trúc thành 02 phiên.

Phiên tham luận với các bài phân tích về thực thi Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tổng hợp và phân tích quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam từ chủ trương tới thực tiễn; và kế hoạch triển khai JETP nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Phiên thảo luận với sự tham dự của các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp để cùng phân tích những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong việc chuyển dịch sang năng lượng sạch. Đồng thời thảo luận về những cơ hội cũng như những thách thức đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển nguồn năng lượng mới của Việt Nam trong thời gian tới.

Diễn đàn cũng bàn luận các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới.

Đặc biệt các chuyên gia, tổ chức nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đi trước, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho bức tranh chuyển dịch năng lượng hiệu quả của Việt Nam.

Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero: Triển vọng phát triển năng lượng mới   - Ảnh 2

Diễn đàn có sự tham dự của:

1. Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban, Ban Kinh tế Trung ương;

2. Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội;

3. Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

4. Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương;

4. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

5. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam;

6. Ông John Rockhold, Chủ tịch nhóm năng lược của Amcham và Trưởng nhóm điện và năng lượng Diễn đàn VBF;

7. Ông Stuart Livesey, Thành viên Ban điều hành và đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh, EuroCham;

8. Ông Đỗ Mạnh Toàn, Điều phối viên quốc gia - Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (UNOPS ETP);

9. Ông Phạm Hoàng Lương, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế  Việt Nam – Nhật Bản;

10. Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở Hạ tầng, PwC Việt Nam;

11. Ông Nguyễn Văn Long, Tổng Giám đốc Hồng Hà Petro.

Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ của một số tỉnh, thành phố, cùng đại diện các thành viên của tổ chức AmCham, EuroCham, KoCham và đông đảo đại diện doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn có đông đủ các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình tác nghiệp và đưa tin về sự kiện.

Trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi "Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero: Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam" sẽ được livestream trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy vào lúc 09h00 ngày 11/07/2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate