January 12, 2025 | 08:41 GMT+7

Điều tra tiếp hành vi mua bán trái phép hơn 2.000 hóa đơn

Đỗ Mến -

Để hợp thức hóa nguồn cát khai thác trái phép, che giấu nguồn tiên, ông Bình thông qua một số người liên quan thực hiện mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện kiểm sát nhân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án ''Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Rửa tiền" xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Ông Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu) bị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và Rửa tiền.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, từ năm 2020-2023, ông Bình cùng đồng phạm có hành vi đưa hối lộ, lợi dụng các mối quan hệ cá nhân cũng như lợi ích vật chất tác động đến các bị can là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thuộc UBND tỉnh An Giang và các cơ quan liên quan, khai thác trái phép hơn 3,7 triệu m3 cát, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 293 tỷ đồng.

Để hợp thức hóa nguồn cát khai thác trái phép, che giấu nguồn tiên, ông Bình thông qua một số người liên quan thực hiện mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền.

Cáo buộc thể hiện, ông Bình đã chỉ đạo Lê Trọng Hải, Trần Anh Tuấn sử dụng pháp nhân Công ty MêKông Tháp Mười để ký 2 hợp đồng khống với Công ty Phước Xuyên do Từ Quãng Xuân làm giám đốc để mua 2 hóa đơn bán cát khống.

Ngoài ra, từ ngày 27/8/2022 đến ngày 28/7/2023, thông qua các “cò” là Lâm Văn Hậu, Tạ Văn Viết, Xuân mua của Trần Văn Kiệt 258 hóa đơn VAT khống của 4 công ty với tổng khối lượng cát ghi hóa đơn là 85.727m3, thành tiền hơn 7,8 tỷ đồng. Tổng số tiền phí mua hóa đơn là hơn 872 triệu đồng; đã thanh toán hơn 590 triệu đồng.

Công ty Phước Xuyên đã kê khai thuế 256/258 hóa đơn. Cục thuế tỉnh Đồng Tháp kết luận đối với Công ty Phước Xuyên, thiệt hại tiền thuế là hơn 1,5 tỷ đồng; Công ty MêKông Tháp Mười là hơn 817 triệu đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị can Xuân, Hậu, Viết và Kiệt mua bán trái phép 258 hóa đơn, gây thất thoát hơn 2,4 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó bị can Xuân hưởng lợi 114 triệu đồng, Viết hơn 76 triệu đồng, Hậu 118 triệu đồng, Kiệt hơn 55 triệu đồng.

Đặc biệt, cơ quan điều tra còn xác định Kiệt sử dụng pháp nhân Công ty Trúc Phương, Công ty Sang Giàu, Công ty Nguyễn Vũ để bán tổng cộng 2.024 hóa đơn giá trị gia tăng cho hơn 470 doanh nghiệp, cá nhân tại các tỉnh, thành phố. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định tách tài liệu liên quan đến hành vi trên của Trần Văn Kiệt chuyển cho Công an tỉnh An Giang để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Viện kiểm sát cho rằng ông Bình và các cá nhân liên quan có hành vi sử dụng 114/258 hóa đơn mua cát khống của Công ty Phước Xuyên nhằm đối phó với cơ quan chức năng trên đường vận chuyển cát khai thác trái phép.

Tuy nhiên, Công ty MêKông không sử dụng các hóa đơn trên để kê khai báo cáo thuế, chưa thanh toán tiền mua hóa đơn cho Xuân. Mặt khác, không có tài liệu chứng cứ xác định cá nhân nào sử dụng hóa đơn trên nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Viện kiểm sát xác định, Công ty MêKông Tháp Mười có hành vi mua 3 hóa đơn khống và sử dụng 2/3 hóa đơn để kê khai thuế, gây thiệt hại hơn 817 triệu đồng tuy chưa đủ căn cứ xử lý hình sự nhưng buộc công ty này phải truy nộp số tiền trên vào ngân sách nhà nước.

Để che giấu doanh thu bán cát khai thác trái phép, ông Bình đã chỉ đạo Hoàng Hải Thụy nhận tiền thanh toán từ khách lẻ hoặc qua “cò cát” bằng tiền mặt. Đồng thời mượn tài khoản ngân hàng để nhận tiền, chuyển lòng vòng, cuối cùng mới tới tay ông Bình hoặc được ông Bình sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Tư tháng 10/2022 đến ngày 29/7/2023, Thụy nhận tiền thanh toán của khách lẻ hơn 170 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển đến các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Trung Hậu. Sau đó được rút ra để trả nợ, chi phí điều hành… Trong đó có hơn 50 tỷ đồng ông Bình sử dụng để chi tiêu cá nhân.

Viện kiểm sát xác định, ông Bình giao cho cháu trai và anh trai đứng tên ký hợp đồng đặt cọc mua 6 bất động sản trị giá gần 38 tỷ đồng; chỉ đạo 2 người khác thanh toán mua 8 xe ô tô các loại và nhờ người đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký với số tiền thanh toán là hơn 9,1 tỷ đồng.

 

Đối với các cá nhân có hành vi nhận, chuyển tiền, cơ quan tố tụng xác định họ đều là người có quan hệ họ hàng, người làm công hưởng lương, nghe theo chỉ đạo và không được hưởng lợi, không biết nguồn gốc tiền từ hoạt động khai thác cát trái phép của Công ty Trung Hậu nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate