December 10, 2024 | 09:46 GMT+7

Doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho phát triển bền vững, hành động vì khí hậu

Tùng Dương -

Biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong ba ưu tiên hàng đầu với lãnh đạo các doanh nghiệp cấp cao (CxO) toàn cầu khi có tới 85% CxO tham gia khảo sát cho biết tăng cường đầu tư vào phát triển bền vững, tăng 10% so với năm trước. Đặc biệt 92% các CxO tin rằng doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển trong khi giảm phát thải khí nhà kính...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là những phát hiện chính trong báo cáo CxO 2024 về phát triển bền vững: Dấu hiệu của làn sóng mới trong hành động vì khí hậu của doanh nghiệp vừa được Deloitte công bố.

Báo cáo dựa trên khảo sát từ hơn 2.100 lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp toàn cầu. Khảo sát thu thập ý kiến người tham gia từ 27 quốc gia: 46% từ châu Âu/Trung Đông/Nam Phi; 17% từ Bắc Mỹ; 9% từ Mỹ Latinh; 28% từ châu Á– Thái Bình Dương.

HƠN 90% TIN RẰNG DOANH NGHIỆP CÓ THỂ PHÁT TRIỂN TRONG KHI GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

Theo báo cáo, một chỉ số quan trọng cho thấy ảnh hưởng của khí hậu tới chương trình nghị sự kinh doanh của các nhà lãnh đạo đó là 85% CxO cho biết đã tăng cường đầu tư bền vững trong năm qua- tăng từ 75% vào năm 2023. Một nửa số này đã bắt đầu triển khai các giải pháp công nghệ nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Tận dụng công nghệ liên quan đến khí hậu đóng vai trò quan trọng trong quá trình khử carbon, và mỗi ngành nghề/lĩnh vực, khu vực và tổ chức cần có một lộ trình riêng. Trong bối cảnh các CxO đánh giá việc theo kịp tốc độ đổi mới sáng tạo (bao gồm trí tuệ nhân tạo tạo sinh) là thách thức cấp bách nhất trong năm tới, lãnh đạo các doanh nghiệp có cơ hội duy nhất để ưu tiên đầu tư vào các giải pháp mang lại lợi ích cho cả môi trường và hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho phát triển bền vững, hành động vì khí hậu - Ảnh 1

Trên thực tế, một nửa số CxO bắt đầu triển khai các giải pháp công nghệ nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu, với 42% CxO khác dự kiến sẽ triển khai trong 2 năm tới. Trong số những tổ chức đã ứng dụng công nghệ để thúc đẩy nỗ lực phát triển bền vững, hơn 50% thông tin mục đích là phát triển các sản phẩm và dịch vụ bền vững hơn. Theo đó, các CxO cho biết đổi mới sáng tạo xoay quanh các dịch vụ và hoạt động của họ là kết quả được mong đợi nhất từ các nỗ lực bền vững trong năm năm tới (38%).

Các nhà lãnh đạo nhận ra tiềm năng kinh doanh từ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp, với tỷ lệ lớn (92%) tin rằng doanh nghiệp có thể phát triển trong khi giảm phát thải khí nhà kính. Đáng chú ý, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng chia sẻ sẽ có sự chuyển dịch trong năm nay, thấy được nhiều tác động trực tiếp liên quan đến môi trường và hoạt động kinh doanh từ nỗ lực phát triển bền vững.

 

“Đáng khích lệ khi đầu tư bền vững tăng đáng kể trong năm nay, cùng với việc tập trung sử dụng công nghệ làm chất xúc tác để thúc đẩy các giải pháp khí hậu. Ngày càng nhiều tổ chức đang tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh cốt lõi để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tận dụng hành động vì khí hậu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng, tạo ra giá trị mới cho các bên liên quan và tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt so với đối thủ".

Ông Joe Ucuzoglu, CEO, Deloitte Toàn cầu.

Hiệu quả, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng (37%) và tỷ suất lợi nhuận hoạt động (37%) đã lọt vào top 5 lợi ích hàng đầu của hành động vì khí hậu trong năm nay, chỉ kém 2% so với lợi ích được lựa chọn nhiều nhất (giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu) và vượt qua các lợi ích khó đo lường hơn như mức độ nhận diện và danh tiếng của doanh nghiệp.

Các CxO xếp hạng khả năng tuyển dụng và giữ chân nhân tài là một trong ba lợi ích hàng đầu của nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững trong 5 năm tới.

Trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp kéo theo sự chuyển đổi trong lực lượng lao động và hơn 800 triệu việc làm bị đe dọa trước hiện tượng khí hậu cực đoan cũng như tác động của quá trình chuyển đổi kinh tế, 49% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang tích cực chuẩn bị những công việc xanh cho lực lượng lao động.

Các nhà lãnh đạo toàn cầu ngày càng ưu tiên cho vấn đề công bằng và quá trình chuyển đổi công bằng nhằm đảm bảo những lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp được chia sẻ rộng rãi và hỗ trợ những người có nguy cơ phải chịu tổn thất về kinh tế với hơn một nửa (55%) cho rằng các chủ đề này cực kỳ quan trọng, tăng so với năm trước (46%).

KHUYẾN NGHỊ MỞ RỘNG QUY MÔ Ở CÁC KHU VỰC CÓ TÁC ĐỘNG LỚN

Báo cáo tiết lộ rằng lãnh đạo các doanh nghiệp lạc quan nhưng cũng tỏ ra lo ngại về biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đầu tư, hành động vì khí hậu và đổi mới sáng tạo đều đang theo xu hướng tăng, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn để giúp thúc đẩy những tiến bộ cụ thể.

Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tập trung vào 2-3 hành động khó thực hiện nhưng mang tính đột phá để giúp thúc đẩy tác động cả trong và ngoài tổ chức như ràng buộc lương thưởng của lãnh đạo cấp cao với hiệu suất của các hoạt động bền vững hoặc phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ mới thân thiện với khí hậu.

Cũng theo báo cáo này, thực trạng thực hiện hành động vì khí hậu không đồng đều, với 17% các tổ chức thuộc nhóm tiên phong hiện đang triển khai 4-5 hành động bền vững mang tính đột phá, trong khi hơn 1/4 các tổ chức chỉ nỗ lực ở mức tối thiểu hoặc không hành động. Hơn một nửa số tổ chức tham gia khảo sát thuộc nhóm trung bình, thực hiện 2-3 hành động mang tính đột phá.

Doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho phát triển bền vững, hành động vì khí hậu - Ảnh 2

Tuy nhiên, vẫn có một số lý do để lạc quan về hiện trạng hành động vì khí hậu của doanh nghiệp. Nhóm “trung bình” dự đoán biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn đến chiến lược và hoạt động của họ trong 3 năm tới, với một phần năm trong nhóm này cho rằng tác động ở mức rất cao. Những cam kết hiện tại cùng với nhiều kỳ vọng hơn trong những năm tới của nhóm này cho thấy họ đang thiết lập nền tảng để mở rộng quy mô cho những tác động lớn hơn.

Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn phát triển bền vững, Deloitte Toàn cầu Jennifer Steinmann, cho biết “lãnh đạo các doanh nghiệp đang bắt đầu nhận thấy nhiều lợi ích hữu hình hơn từ việc triển khai các hành động vì khí hậu. Qua đó thấy được phát triển bền vững là động lực thúc đẩy các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh và tổng thể quá trình tạo ra giá trị”.

Các công ty trong nhóm “trung bình” đã sẵn sàng để tận dụng động lực thị trường rộng lớn hơn bằng cách dựa trên kinh nghiệm hiện có để thực hiện các hành động đột phá hơn như cơ cấu lại hoạt động, cơ sở hạ tầng và/hoặc chuỗi cung ứng để có khả năng chống chịu với khí hậu tốt hơn, yêu cầu các nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chí bền vững cụ thể. Việc gia tăng hành động sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu khí hậu chung trên toàn cầu, chuyên gia này nói.

Khi ngày càng lo ngại về các tác động chưa được giảm thiểu của biến đổi khí hậu, lãnh đạo các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư để thúc đẩy và phát triển chiến lược bền vững của tổ chức và nhận ra nhiều lợi ích hữu hình cho xã hội và hoạt động kinh doanh.

Báo cáo đưa ra những cân nhắc quan trọng cho lãnh đạo các doanh nghiệp đang nỗ lực hành động. Thông qua việc xây dựng dựa trên thế mạnh chính, tìm kiếm các kênh và đối tác mới giúp thúc đẩy tác động và suy nghĩ rộng hơn về các cách thức mà phát triển bền vững có thể tạo ra giá trị kinh doanh, các doanh nghiệp có thể thúc đẩy hành động vì khí hậu, đồng thời định vị doanh nghiệp để phát triển mạnh hơn trong nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 trong tương lai.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate