April 09, 2025 | 15:01 GMT+7

Doanh thu bán lẻ TP. Hồ Chí Minh tăng 14,2% so với cùng kỳ

Hẳng Nguyễn -

Trong ba tháng đầu năm 2025, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt 316.632 tỉ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái...

Người dân mua sắm tại Co.opmart Rạch Miễu (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt
Người dân mua sắm tại Co.opmart Rạch Miễu (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết con số này phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng.

Theo đó, riêng trong tháng 3, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt 109.988 tỉ đồng, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thành phố.

Ngoài ra, ngành sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng với chỉ số sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh trong tháng 3/2025 tăng 13,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong quý 1/2025, chỉ số này đã tăng 6,8% so với cùng kỳ.

 

Có 22 trong số 29 ngành công nghiệp cấp 2 tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận tăng trưởng nổi bật, ví dụ: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, thiết bị điện và sản phẩm từ khoáng phi kim loại.

Đặc biệt, 22 trong số 29 ngành công nghiệp cấp 2 ghi nhận sự tăng trưởng trong sản xuất, với các ngành như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, thiết bị điện và sản phẩm từ khoáng phi kim loại có mức tăng trưởng nổi bật. Trong khi đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố có mức tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Cũng trong quý 1/2025, sản xuất công nghiệp của 3 ngành truyền thống tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng ghi nhận mức tăng 11,2%.

Theo Chi cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1 cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo so với quý 4/2024. Cụ thể, 20,8% doanh nghiệp nhận định tình hình cải thiện, 46,3% ổn định và 32,9% gặp khó khăn.

Trước đó, trong báo cáo doanh thu hai tháng đầu năm 2025, Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết sau Tết Nguyên đán, tình hình giá cả ổn định, không có hiện tượng tăng đột biến. Các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng đã hoạt động trở lại bình thường, giúp giá lương thực, thực phẩm duy trì ổn định.

Chỉ riêng tháng 2/2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,40% so với tháng trước và tăng 3,84% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm giao thông tăng mạnh nhất (+1,11%), trong khi nhóm bưu chính viễn thông giảm (-0,24%). Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu đi lại trong dịp Tết và giá thịt lợn tăng. Đồng thời, lượng khách du lịch đến TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh do nhu cầu tham gia lễ hội đầu năm. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt và các chính sách bán hàng linh hoạt cũng là yếu tố thúc đẩy sức mua tiêu dùng.

Về phân loại doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh hiện có 66,7% doanh nghiệp Nhà nước, 67,3% doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 66,9% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đánh giá tình hình hoạt động trong quý 1 là tốt lên hoặc giữ ổn định.

Trong quý 2/2025, có 43,1% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện, 39,4% dự báo ổn định và 17,5% cho rằng sẽ gặp khó khăn hơn. Trong đó, các doanh nghiệp Nhà nước, FDI và ngoài Nhà nước đều có mức độ lạc quan cao, với tỷ lệ lần lượt là 81%, 85,1% và 81,3%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate