Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Công an tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu điều tra khẩn trương vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa Bắc Nam và xe bán tải, xảy ra vào đêm 28/7/2024 nhằm sớm khắc phục hậu quả.
VỤ VA CHẠM RẤT NGHIÊM TRỌNG GÂY CHẾT NGƯỜI
Trước đó, vào lúc 8 giờ 47 phút tối 28/7/2024, tại đường ngang Km 1969+457 tuyến đường sắt Thống Nhất thuộc phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai - khu gian Hố Nai - Biên Hòa) đã xảy ra một tai nạn rất nghiêm trọng. Cụ thể, vào thời điểm này, tàu khách Bắc Nam SNT5 đang lưu thông theo hướng từ Bắc vào Nam, khi đến địa điểm trên thì bất ngờ có xe bán tải biển số 60C-097.05 (trên xe có 4 người), do tài xế Võ Văn Khải điều khiển, lao từ hẻm ra giữa đường ngang dẫn đến va chạm với tàu hoả.
Vụ va chạm mạnh đã khiến xe bán tải bị hất văng ra xa và va vào một nhân viên môi trường (Lê Minh Tú, 23 tuổi, quê Bình Dương) đang thu gom rác gần đó làm nạn nhân tử vong tại chỗ. Một nạn nhân khác 13 tuổi (cháu Bùi Hữu Nghĩa), ngồi trên xe bán tải cũng bị hất văng ra đường ray, bị kéo lê và tử vong. Ba người còn lại trên xe (tài xế, vợ tài xế, mẹ cháu Nghĩa) bị thương nặng được đưa đi cấp cứu và chăm sóc tại bệnh viện.
Báo cáo nhanh sau đó của Phòng Thanh tra – An toàn khu vực III gửi Cục Đường sắt Việt Nam, sự cố tai nạn rất nghiêm trọng nói trên, thì hẻm xe bán tải lưu thông ra là hẻm 1334 song song với đường sắt, không có gác chắn và có biển “chú ý tàu hoả”. Ngay tại thời điểm xảy ra tai nạn, qua kiểm tra sơ bộ đã xác định trên đường Phạm Văn Thuận (cắt ngang đường ray) nhân viên gác ray chưa đóng một chắn do đang có một xe rác rác đi qua. Tuy nhiên, vụ việc phần lớn lỗi thuộc về tài xế xe bán tải do không tuân thủ biển cảnh báo, và thiếu quan sát.
Tại văn bản nói trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an thành phố Biên Hòa phối hợp các cơ quan liên quan nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; đồng thời báo cáo kết quả điều tra ban đầu liên quan vụ tai nạn cho Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 12/8 tới.
Sở Giao thông vận tải Đồng Nai được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông tại vị trí xảy ra tai nạn; đồng thời phối hợp cung cấp thông tin liên quan trong vụ tai nạn đường sắt khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, xử lý vi phạm theo quy định. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh chỉ đạo các phòng, ban, địa phương liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Phải sớm xử lý các tồn tại nếu thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương và kiến nghị với ngành đường sắt nếu thuộc trách nhiệm của ngành đường sắt.
LỐI ĐI TỰ MỞ, BÀI TOÁN NAN GIẢI CỦA NGÀNH ĐƯỜNG SẮT
Sau sự cố tai nạn đường sắt rất nghiêm trọng này, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ liên quan đến kiểm tra thực tế những tồn tại, bất cập tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn thành phố Biên Hòa, trong đó có điểm giao cắt với đường Phạm Văn Thuận, nơi xảy ra tai nạn nói trên. Đoàn liên ngành đã ghi nhận nhiều bất cập ở một số vị trí đường hẻm giao cắt với đường sắt chỉ có biển cảnh báo, chưa có hệ thống gác chắn hay nhân sự trực gác. Ngoài ra vẫn còn các lối đi tự mở cắt ngang đường sắt vào khu dân cư, hộ dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa…
Ngày 30/7 vừa qua, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026 - 2031 để thực hiện dự án xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt. Theo đơn vị này, hiện trên mạng lưới đường sắt quốc gia có 4.772 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong số đó gồm 677 đường ngang có người gác, 9 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động, 738 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động, 86 đường ngang phòng vệ bằng biển báo.
Riêng lối đi tự mở có đến 3.262 vị trí, chiếm tỷ lệ 68,3% tổng số giao cắt đương sắt – đường bộ. Lối đi tự mở cắt ngang đường sắt đã và đang là một thực trạng nan giải tồn tại từ nhiều năm qua của ngành đường sắt mà đến nay vẫn chưa thể khắc phục được. Đây là một vấn đề rất nguy hiểm cho vấn đề an toàn đường sắt, đường bộ và dân sinh.
Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (gọi tắt là Đề án 358) đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng mới 297 đường ngang và 149 hầm chui với tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2031. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình này và các công trình phụ trợ khác như cầu vượt, hàng rào, đường gom hiện chưa được bố trí theo lộ trình.