July 04, 2024 | 19:51 GMT+7

VNR đặt mục tiêu lãi hơn 53 tỷ đồng nửa cuối năm

Ánh Tuyết -

Nửa cuối năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phấn đấu đạt lợi nhuận 53,5 tỷ đồng nhằm tăng tốc đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm...

6 tháng cuối năm, VNR  tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và nỗ lực đạt doanh thu 4.701,5 tỷ đồng, tăng 4% so với nửa đầu năm.
6 tháng cuối năm, VNR tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và nỗ lực đạt doanh thu 4.701,5 tỷ đồng, tăng 4% so với nửa đầu năm.

Thông tin từ Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa tổ chức cho thấy nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh tăng trưởng hai con số so cùng kỳ năm 2023.

ĐIỂM SÁNG TỪ VẬN TẢI KHÁCH

Thông tin tại hội nghị, Chánh văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Thành cho biết 6 tháng đầu năm, sản lượng toàn tổng công ty đạt 4.778,5 tỷ đồng, tăng trưởng 11,5%. Doanh thu đạt 4.506,3 tỷ đồng, tăng trưởng 10,1%; riêng công ty mẹ đạt doanh thu 2.966,1 tỷ đồng, tăng trưởng 11,2%. 

 

Vận tải là điểm sáng, thu hút đông hành khách đi tàu với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng cao. Sản lượng vận tải hành khách 6 tháng tăng 20,6% so với cùng kỳ. Tính riêng dịp Tết nguyên đán đã bán được 652.868 vé tàu với doanh thu đạt 400,7 tỷ đồng, bằng 107,5% so với cùng kỳ.

Nhờ đó, các công ty vận tải có doanh thu trực tiếp từ hoạt động vận tải đạt 2.498,2 tỷ đồng, bằng 115,7% so với cùng kỳ và đạt 60,1% kế hoạch năm.

Tổng công ty đưa vào khai thác các đôi tàu có tính chuyên biệt mang dấu ấn văn hóa vùng miền như: tàu kết nối di sản tuyến Huế - Đà Nẵng, đoàn tàu du lịch "Hành trình tàu đêm Đà Lạt".

Cùng với đó, các đoàn tàu thuê bao nguyên đoàn (charter) với hành trình và các dịch vụ theo yêu cầu của bên đặt hàng cũng đắt khách.

Về vận tải hàng hóa, ngành đường sắt tổ chức khai thác các luồng hàng mới, tạo điều kiện gia tăng giá trị dịch vụ; thực hiện các giải pháp nâng cao sản lượng vận tải hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Nửa đầu năm, ngành đường sắt cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế tại Cao Xá. Đồng thời, khai thác thêm các sản phẩm vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, quá cảnh qua Trung Quốc đi đến nước thứ ba như Nga, châu Âu, Mông Cổ và các nước Trung Á.

Khối quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt ghi nhận doanh thu tăng 6,9% so với cùng kỳ. Khối công nghiệp, cơ khí doanh thu 60,5 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ.

THIỆT HẠI 106 TỶ ĐỒNG DO HAI SỰ CỐ SẬP HẦM

Tuy nhiên, theo đại diện VNR, hai sự cố khiến hoạt động vận tải đường sắt gián đoạn do sụt lở đất đá trên đỉnh hầm Bãi Gió và hầm Chí Thạnh làm ách tắc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Các công ty vận tải đã kịp thời tổ chức chuyển tải hành khách qua khu vực bị sự cố đảm bảo an toàn, cung cấp suất ăn, nước uống miễn phí trong quá trình chuyển tải. Việc đổi, trả vé đối với hành khách không muốn chuyển tải được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng và không thu phí phát sinh. 

"Ảnh hưởng từ sự cố dẫn đến chi phí phát sinh để khắc phục sự cố và thiệt hại gián tiếp là hơn 106 tỷ đồng", đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu rõ.

Cũng theo đại diện VNR, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.  Trong đó, mức thu, khai, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được giảm 50% so với hiện hành, nhằm hỗ trợ phần nào những hệ luỵ ngành đường sắt gặp phải sau sự cố và hỗ trợ ngành tăng tốc phục hồi thời gian tới.

Theo đó, trong nửa cuối năm 2024, mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được giảm về mức 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, thay vì mức 8% được quy định tại Thông tư số 295/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016.

RỐT RÁO HỢP NHẤT HAI CÔNG TY VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

Đề cập về phương hướng kinh doanh trong 6 tháng cuối năm, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng công ty đã triển khai thực hiện cơ cấu lại bộ máy.

Trong đó, lĩnh vực vận tải, tổng công ty đã xây dựng xong phương án hợp nhất hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn thành một công ty vận tải đường sắt. Đại hội cổ đông của hai công ty đã thông qua nội dung liên quan đến hợp nhất công ty và hội đồng quản trị hai công ty đã có quyết định thông qua nội dung và ký kết hợp đồng hợp nhất. Hiện hai công ty đang triển khai các thủ tục tiến tới hợp nhất.

Trước đó, ngày 26/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.

"Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2024 đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là triển khai Đề án cơ cấu lại theo Quyết định số 562 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành phương án sáp nhập hai công ty cổ phần vận tải đường sắt theo tiến độ đề ra", ông Khánh cho hay.

Dồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh nửa cuối năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các công ty vận tải tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đặc biệt lưu ý các giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại mà khách hàng phản ánh như: chất lượng vệ sinh toa xe, trang thiết bị phục vụ hành khách với các tàu lập thêm; chất lượng điều hòa toa xe...

"Có giải pháp khai thác khách du lịch tại các địa phương đi tàu đến các điểm đến du lịch. Về phía tổng công ty, chuẩn bị xây dựng biểu đồ chạy tàu, kế hoạch chạy tàu tết Nguyên đán 2025", ông Khánh nêu rõ.

 

Để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, Tổng công ty Đường sắt đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, toàn tổng công ty hợp cộng đạt sản lượng 4.725,4 tỷ đồng; doanh thu 4.701,5 tỷ đồng; lợi nhuận 53,5 tỷ đồng.

Riêng công ty mẹ, doanh thu đạt 2.916,9 tỷ đồng, lợi nhuận 11,7 tỷ đồng. Khối vận tải, doanh thu trực tiếp từ vận tải 2.039,7 tỷ đồng, bằng 108,6% so với cùng kỳ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate