March 27, 2024 | 09:08 GMT+7

Đồng Tháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu thành khu kinh tế tổng hợp

Ban Mai -

Có vị trí, vai trò quan trọng đối với khu vực Đồng Tháp Mười, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp sẽ được phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp, gồm: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp…

Cửa khẩu quốc tế Thường Phước tại tỉnh Đồng Tháp.
Cửa khẩu quốc tế Thường Phước tại tỉnh Đồng Tháp.

 Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2045. Theo đồ án của đơn vị tư vấn trình bày tại hội nghị, phạm vi nghiên cứu trực tiếp điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng tháp giữ nguyên theo Quyết định số 1580/QĐ-TTg (ngày 09/9/2013) của Thủ tướng Chính phủ, có điều chỉnh do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Cụ thể, TP. Hồng Ngự gồm các phường: An Lộc, An Thạnh, An Lạc, các xã Tân Hội, Bình Thanh; huyện Hồng Ngự gồm các xã: Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Thới Hậu A, Thường Lạc và thị trấn Thường Thới Tiền; huyện Tân Hồng gồm các xã: Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình và thị trấn Sa Rài.

Quy mô lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 31.936 ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 190.000 người; năm 2045 khoảng 270.000 người.

Mục tiêu của Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp nhằm phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh trở thành khu kinh tế tổng hợp gồm: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW (ngày 02/4/2022) của Bộ Chính trị; đẩy nhanh tiến độ, triển khai đầu tư các dự án hạ tầng đã được duyệt; kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến cao tốc; cảng biển, các trung tâm đầu mối giao thông, du lịch, logistics…, góp phần từng bước làm thay đổi bộ mặt vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền của tỉnh; là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, trước hết trong quan hệ với Campuchia…

Ngoài ra, Nhiệm vụ yêu cầu đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp cần nghiên cứu trên cơ sở nền bản đồ địa hình (quy định tại Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ) và trên cơ sở rà soát, kế thừa các nội dung còn phù hợp của đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1580/QĐ-TTg ngày 09/9/2013); phân tích đánh giá các định hướng chiến lược của quốc gia, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Đồng Tháp đối với khu kinh tế cửa khẩu nhằm khai thác phát triển tối ưu các quỹ đất, tiềm năng phát triển từng khu vực; đề xuất các khu chức năng, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hợp lý cho khu kinh tế...

Góp ý cho nhiệm vụ đồ án, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng đơn vị tư vấn cần tập trung đánh giá hiện trạng khu kinh tế, từ đó làm rõ các điểm nghẽn về quy hoạch, hạ tầng, chính sách… và đề xuất định hướng tổ chức không gian, định hướng xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với điều kiện thực tiễn và tạo động lực phát triển khu kinh tế thời gian tới.

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng, cho biết việc điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2045 sẽ giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời, tạo động lực mới để khu kinh tế của khẩu tỉnh Đồng Tháp phát triển mạnh mẽ hơn nữa… Đơn vị tư vấn, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp sớm bổ sung và hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ để UBND tỉnh Đồng Tháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích 3.382 km2, dân số gần 1,7 triệu người. Tỉnh có gần 50 km đường biên giới, 02 cửa khẩu quốc tế với Campuchia; là vùng cửa ngõ đường thuỷ của Việt Nam với các nước để hình thành điểm dừng chân du lịch đường thuỷ dọc sông Mê Kông. Tỉnh cũng là địa phương đứng thứ 3 cả nước về tổng sản lượng lúa của cả nước với 3,3 triệu tấn/năm, sau Kiên Giang 4,3 triệu tấn/năm, An Giang 4,1 triệu tấn/năm; đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 898 triệu USD, trong đó riêng cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu.

Trước đó, năm 2019, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 với quy mô gần 32.000 ha. Phạm vi quy hoạch bao gồm 15 xã, phường của thị xã Hồng Ngự; huyện Hồng Ngự và thị trấn Sa Rài thuộc huyện Tân Hồng.

Trong khu kinh tế cửa khẩu có 02 cửa khẩu quốc tế: Thường Phước và Dinh Bà; 05 cửa khẩu phụ: Sở Thượng, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú.

Dân số trong Khu kinh tế cửa khẩu trên 191.000 người và người dân trong tuổi lao động chiếm 55%. Lợi thế chính ở khu kinh tế cửa khẩu là sản xuất nông nghiệp và dịch vụ thương mại qua lại biên giới.

Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực: công nghiệp-thương mại-đô thị và nông lâm ngư nghiệp gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng tại các cửa khẩu quốc tế cũng chính là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, gần nhất là với Campuchia.
Tại 02 đô thị cửa khẩu Dinh Bà và đô thị cửa khẩu Thường Phước có 03 cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích 60 ha. Tại thị trấn Sa Rài và thị trấn Thường Thới, mỗi thị trấn có 01 cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (quy mô 35-45 ha) sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ phụ phẩm nông nghiệp và các mặt hàng khác.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate