Sự cạn kiệt thanh khoản từ phía bán bắt đầu tác động đến tâm lý bên mua. Nhà đầu tư sáng nay chấp nhận nâng giá lên giúp cổ phiếu tăng giá áp đảo, dù biên độ vẫn còn khá nhẹ. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết tăng 40% so với sáng hôm qua, trong khi khối ngoại duy trì đợt bán ròng mạnh kéo dài sang phiên thứ 4 liên tiếp.
VN-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,3% tương đương +3,32 điểm so với tham chiếu. Đỉnh cao nhất của chỉ số lúc 10h20 tăng hơn 5 điểm. Như vậy nửa sau phiên sáng đà tăng đã chững lại và duy trì đi ngang với biên độ rất hẹp. Có vẻ lực cầu vẫn rất thận trọng, không nâng giá quá cao nhưng vẫn duy trì lực đỡ.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay đạt gần 5.353 tỷ đồng, tăng 40% so với sáng hôm qua, đạt mức cao nhất kể từ đầu tuần. Tuy vậy con số tuyệt đối này vẫn còn nhỏ. Tuần trước trung bình các phiên sáng giao dịch khoảng 6.505 tỷ đồng. Để thanh khoản tiếp tục mạnh thêm, hoặc bên mua sẽ phải chấp nhận nâng giá cao thêm, hoặc bên bán sẽ phải xả hàng nhiều hơn.
Trạng thái “thi gan” giữa bên mua và bên bán đang chuyển sang mặt bằng giá xanh, thay vì chờ đợi giá đỏ như những phiên trước. Đây là một thay đổi tích cực cho thấy nhà đầu tư cầm tiền đã chấp nhận một mặt bằng giá cao hơn sau vài ngày. Khả năng duy trì lực đỡ cũng phản ánh khá rõ trong độ rộng, VN-Index trọn phiên ghi nhận số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo số giảm. Lúc chỉ số tăng đạt đỉnh, độ rộng đạt 318 mã tăng/111 mã giảm. Đến hết phiên, độ rộng vẫn còn 294 mã tăng/143 mã giảm.
Sàn HoSE hiện đang có 93 cổ phiếu tăng trên 1%, một tỷ lệ không lớn thể hiện khả năng đẩy giá từ bên mua vẫn còn hạn chế. Dù vậy thanh khoản ở nhóm tăng tốt nhất này chiếm tới gần 42% tổng thanh khoản. Dẫn đầu là VIX tăng 1,7% với 204,1 tỷ đồng; PDR tăng 3,78% với 194,4 tỷ; HPG tăng 1,88% với 165,3 tỷ; NVL tăng 2,93% với 139,6 tỷ; VND tăng 1,52% với 133,1 tỷ; MWG tăng 1,4% với 108,5 tỷ. Nếu tính thuần túy thanh khoản và giá tăng, có thể kể thêm SSI tăng 0,64% với 222,8 tỷ; DIG tăng 0,7% với 208,5 tỷ.
Nhóm cổ phiếu blue-chips sáng nay không mạnh nhưng vẫn là nền tảng nâng đỡ chỉ số. VN30-Index đang tăng 0,37% với 21 mã tăng/6 mã giảm. Nhóm này cũng có hiện tượng bán ra ở vùng giá cao nhưng tổng thể biên độ lùi giá không nhiều. Cả rổ chỉ có 5 mã tụt giá hơn 1%, trong đó VJC và HDB là hai cổ phiếu duy nhất lùi giá đến mức giảm qua tham chiếu. Cụ thể, VJC để mất khoảng 2,21% so với mức giá đỉnh giữa phiên và hiện đã giảm 1,83% so với tham chiếu. HDB tụt 1,42%, đang giảm 1,14% so với tham chiếu.
Việc chỉ số đi ngang vẫn đang phụ thuộc chính vào khả năng đỡ giá ở nhóm blue-chips. Thanh khoản rổ VN30 đã tăng 20% so với sáng hôm qua, đạt 1.543 tỷ đồng. Biến động giá của các blue-chips trồi sụt khá nhiều. Thậm chí có lúc cả rổ có tới 20 cổ phiếu đỏ nhưng sau đó đều được kéo xanh trở lại. Đây là tín hiệu cho thấy vẫn có dòng tiền thường trực chờ đợi.
Trong 143 cổ phiếu đang đỏ ở HoSE, chỉ có 38 mã giảm hơn 1%. Thanh khoản nhóm này chỉ chiếm hơn 8% giá trị sàn và cũng chỉ có 6 mã giao dịch hơn 10 tỷ đồng là VNE giảm 3,6% với 55,3 tỷ; DCM giảm 2,37% với 93,4 tỷ; VJC giảm 1,83% với 56,7 tỷ; DPM giảm 1,44% với 61,3 tỷ; NLG giảm 1,28% với 20,8 tỷ; HDB giảm 1,14% với 63,9 tỷ.
Về cơ bản thị trường vẫn đang trong trạng thái thanh khoản thấp do cả bên mua lẫn bên bán đều giảm cường độ giao dịch. Bên bán vốn đã giảm bán từ vài phiên gần đây nhưng bên mua vẫn chưa mạnh dạn giải ngân. Sự nghi ngờ về một bull-trap là hoàn toàn bình thường vì thị trường vẫn chưa hoàn toàn xác nhận đã chạm đáy.
Khối ngoại là điểm trừ trong trạng thái cân bằng cung cầu sáng nay khi bán ròng hoảng 332,5 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tuy nhiên mức bán ròng lớn này đến từ động thái giảm mua chứ không phải là tăng bán. Cụ thể, khối ngày mới giải ngân được 224,5 tỷ đồng, giảm tới 45% so với sáng hôm qua, đồng thời giảm bán 9%, đạt 557 tỷ đồng. Mặt khác, mức bán ròng lớn là đến từ số lượng cổ phiếu hơn là quy mô tập trung. Cả sàn HoSE chỉ có 2 mã bị rút ròng quá 20 tỷ đồng là DCM -37,9 tỷ và DPM -20,2 tỷ đồng.