Nỗ lực phục hồi đã không thành công trong sáng nay khi nhà đầu tư bắt đầu thu tiền về và đứng ngoài quan sát. Thanh khoản HoSE tiếp tục sụt giảm, thậm chí VN30 lần đầu tiên sau 4 tuần có phiên sáng dưới ngưỡng 5 ngàn tỷ đồng khớp lệnh.
Chứng khoán thế giới đêm qua tiếp tục có một phiên lao dốc nặng, nhưng các thị trường tương lai đã phục hồi sáng nay. Điều này phần nào hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là các diễn biến vẫn còn bất ổn và nguy cơ tạo đỉnh ở nhiều thị trường là hiện hữu.
Không ai có thể chắc chắn liệu các thị trường có phản ứng tiêu cực đến mức nào, đêm nay tăng không chắc ngày mai có duy trì được hay không. Trước những bất ổn đó thì việc đầu tiên là giảm cường độ giao dịch để tránh những rủi ro bất ngờ.
Dòng tiền thu hẹp rất nhanh trên thị trường là điều đang diễn ra. Sáng nay hai sàn niêm yết khớp lệnh chỉ xấp xỉ 16.354 tỷ đồng, giảm tiếp 12% so với sáng hôm qua. Như vậy thanh khoản đang trượt dốc từ đầu tuần đến nay. Sàn HoSE giảm khoảng 11%, chỉ đạt 14.528 tỷ đồng. Đặc biệt VN30 đã giảm xuống dưới ngưỡng 5 ngàn tỷ, chỉ còn 4.717,5 tỷ đồng.
Dòng tiền yếu thì các biến động giá có thể thay đổi thất thường. Sáng nay VN-Index vẫn có một nhịp tăng tạo đỉnh khoảng 9h40, cao nhất trên tham chiếu 0,62%. VN30-Index cũng lập đỉnh cùng thời điểm, tăng 0,63%. Các mã kéo hai chỉ số này lên đỉnh là VIC, NVL, VCB, MSN. Đặc biệt VIC có nhịp tăng rất mạnh 2,19% trước khi trượt dốc trở lại.
VN30-Index đến cuối phiên sáng đã giảm 0,21%, từ chỗ có 26 cổ phiếu tăng/3 cổ phiếu giảm, chuyển thành 13 mã tăng/16 mã giảm. Rổ blue-chips có hàng loạt mã đảo chiều từ 1,5% đến trên 2% chỉ trong buổi sáng. Chẳng hạn VPB từ tăng 0,53% thành giảm 1,72%, SSI từ tăng 0,54% thành giảm 1,97%, BID từ tăng 0,68% thành giảm 1,24%... Thậm chí những cổ phiếu mạnh nhất như NVL đạt đỉnh tăng 4,55% ngay 20 phút đầu tiên, sau đó trượt dốc và đến cuối phiên sáng chỉ còn 2,73%. Những mã lớn khác còn đang kéo VN-Index như VCB, SAB, HDB, VNM đều đã phải trả lại thị trường trên 1%.
Tình trạng trượt giảm kiểu này cũng diễn ra trên khắp thị trường. Khi VN-Index đạt đỉnh, độ rộng ghi nhận 197 mã tăng/202 mã giảm. Đến cuối phiên độ rộng chỉ còn 137 mã tăng/301 mã giảm. Chỉ số mất 0,26% nhưng hơn 140 mã đang giảm trên 1% giá trị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trên các sàn cũng vẫn có mã kịch trần, nhưng số lượng không nhiều. HoSE ghi nhận 8 mã, HNX có 14 mã, UpCOM là 18 mã. Phần lớn các cổ phiếu trong số này có thanh khoản quá tệ. DAH, CVT, PXS, EVG, HUT, VIG, MAC, G36 là những cổ phiếu duy nhất có cung cầu khá tin cậy.
Thanh khoản đang cao nhất trong nhóm cổ phiếu Midcap sàn HoSE, giá trị khớp lệnh đạt 5,656,8 tỷ đồng, cao hơn cả VN30. Chỉ số của rổ giảm 0,39%, độ rộng 28 mã tăng/38 mã giảm. DXG, GEX, DCM là những mã nổi bật về thanh khoản và giá còn tăng. Thậm chí DXG đang là cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường với 682,6 tỷ đồng.
Với độ rộng rất hẹp và dòng tiền đầu cơ cũng nguội lạnh, khả năng cầm cự giá phụ thuộc vào cung cầu cổ phiếu cụ thể hơn là nhóm ngành. Ngay cả nhóm bất động sản cũng chỉ lác đác cổ phiếu tăng và không mang tính đại diện. Nhóm ngân hàng, chứng khoán cũng vậy. Sự sôi động theo nhóm ngành tắt lịm thường là tín hiệu của việc dòng tiền nóng thoát dần ra.
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tương đối “hiền” trong buổi sáng, tổng giá trị bán trên HoSE là 872,5 tỷ đồng, chiếm 5,7% giá trị sàn này. Tổng mua đạt 625,7 tỷ đồng, chiếm 4%. Dòng tiền suy giảm sáng nay chủ đạo là do nhà đầu tư trong nước giảm giao dịch.