October 13, 2021 | 06:00 GMT+7

Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A qua Bình Định: Từ chối bồi thường 14.900 m2 đất ruộng bị "sa bồi thủy phá"

Ánh Tuyết -

Bộ Giao thông vận tải cho rằng, tình trạng "sa bồi thủy phá" không xuất hiện trong thời gian thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua Bình Định. Vì vậy, việc bồi thường gần 14.900 m2 đất sản xuất nông nghiệp là không đủ cơ sở và chưa phù hợp với quy định...

Mất ruộng do thi công Quốc lộ 1 nhưng 6 năm chưa được bồi thương, nông dân Bình Định tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xử lý.
Mất ruộng do thi công Quốc lộ 1 nhưng 6 năm chưa được bồi thương, nông dân Bình Định tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xử lý.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 10637/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV.

HIỆN TƯỢNG "SA BỒI THUỶ PHÁ" KHÔNG XUẤT HIỆN TRONG THỜI GIAN THI CÔNG

Do nhận được câu trả lời không thoả đáng trước đó, theo văn bản số 277/BDN ngày 30/8/2021 do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, cử tri Bình Định tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ dự án và nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí bồi thường diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá tại thượng lưu, hạ lưu các công trình thoát nước, thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn Km1125 đến Km1153, trong phạm vi tuyến tránh Quốc lộ đoạn qua xã Hoài Châu Bắc, phường Tam Quan Bắc, phường Tam Quan thuộc thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Qua trả lời của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 4309/BGTVT-CQLXD ngày 14/5/2021, cử tri tiếp tục kiến nghị xem xét, quyết định chủ trương xử lý nội dung kiến nghị nêu trên, để làm cơ sở cho các ngành chức năng thực hiện, giúp người dân vùng thiệt hại ổn định cuộc sống.

Trước đó, tại văn bản số 4309/BGTVT-CQLXD ngày 14/5/2021 trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Định gửi tới trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ quan điểm: “Diện tích sa bồi thủy phá cử tri kiến nghị bồi thường nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án nên không thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Km1125 - Km1153 qua tỉnh Bình Định theo hình thức hợp đồng BOT”.

 
“Thực tế từ năm 2013 đến tháng 4/2016, tình trạng sa bồi thủy phá không xuất hiện trong suốt thời gian thi công, mà chỉ xuất hiện sau trận lũ lịch sử từ tháng 11 đến tháng 12/2016, gây ngập lụt trên diện rộng gây hư hỏng và làm ảnh hưởng tới các công trình, cơ sở hạ tầng, đời sống dân sinh khu vực tỉnh Bình Định”, Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Km1125 - Km1153 qua tỉnh Bình Định theo hình thức hợp đồng BOT do chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần BOT Bắc Bình Định thực hiện từ năm 2013, được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 4/2016.

Đến nay, dự án đã hoàn thành quyết toán và hết thời gian bảo hành công trình. 

Trong quá trình thiết kế kỹ thuật, trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát địa hình thủy văn khu vực, biên bản thỏa thuận với địa phương, Tư vấn thiết kế đã tính toán thiết kế các công trình thoát nước trên tuyến đảm bảo tần suất lũ P = 1% theo đúng quy định tại tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN4054:2005.

Các tác động liên quan đến việc thoát nước, ngập lụt, xói lở bồi lắng của dự án đã được Tư vấn thiết kế và các cơ quan chuyên môn về môi trường xem xét, đánh giá, đề ra các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng của dự án đã được địa phương phê duyệt quyết toán và Bộ Giao thông vận tải đồng ý thỏa thuận giá trị quyết toán vào tháng 12/2019.

Do vậy, "việc bổ sung chi phí vào dự án để tiến hành bồi thường diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá nằm ngoài phạm vi dự án là không đủ cơ sở và chưa phù hợp với quy định", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Bộ Giao thông vận tải chia sẻ với những khó khăn của người dân bị ảnh hưởng do tác động của hiện tượng sa bồi thủy phá trong khu vực. Tuy nhiên, để có thể giải quyết kiến nghị của cử tri, Bộ Giao thông vận tải đề nghị cử tri chuyển kiến nghị tới UBND tỉnh Bình Định để giải quyết. Trường hợp khó khăn và vượt thẩm quyền, UBND tỉnh Bình Định báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

DÂN MÒN MỎI CHỜ BỒI THƯỜNG 6 NĂM

Trước đó, theo phản ánh của người dân, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Km1125 - Km1153 qua địa bàn thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 6 năm qua, nhưng đến nay, nhiều hộ dân bị thiệt hại từ dự án này vẫn chưa được bồi thường, dù chính quyền địa phương nhiều lần đốc thúc.

Trước khi dự án triển khai qua địa bàn thì những diện tích đất sản xuất lúa không bị sa bồi thủy phá vào mùa mưa lũ. Thế nhưng, dự án này được triển khai, dòng chảy tiêu thoát lũ bị thay đổi, khiến nhiều ha đất canh tác ở đây bị sa bồi, thủy phá nghiêm trọng. 

Theo nhận định của người dân, trong quá trình thực hiện, dự án đã tác động đến môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong khu vực. Tại phạm vi tuyến tránh đoạn qua các xã Hoài Châu Bắc, phường Tam Quan Bắc và thị trấn Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, phần lớn diện tích ruộng đất vốn canh tác lâu đời của người dân bị hệ thống thoát nước của Quốc lộ 1A phá hủy, gây "sa bồi thủy phá", phải bỏ hoang không thể canh tác.

Ngoài ra, một số diện tích tuy đã khắc phục đưa vào sản xuất, nhưng nằm trong dòng chảy cầu cống, về lâu dài sẽ tiếp tục bị "sa bồi thủy phá", rất khó khăn trong sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Qua kiểm tra hiện trường, có 35 thửa đất với tổng diện tích gần 14.900 m² loại đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác bị ảnh hưởng do "sa bồi thủy phá".

Áp dụng theo các quy định hiện hành, giá trị tính toán bồi, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiệt hại là hơn 5,6 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate