Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 5/11 làm dấy lên mối lo về hàng dào thuế quan dâng cao ở Mỹ. Trước tình hình này, các công ty nhập khẩu của Mỹ được dự báo sẽ chạy đua nhập hàng hóa từ Trung Quốc trước khi chính phủ Mỹ chính thức chuyển giao vào ngày 20/1/2025.
ĐẨY MẠNH NHẬP HÀNG TRUNG QUỐC
Theo dự báo của ông Zhong Zhengsheng, nhà kinh tế trưởng tại Ping An Securities, chắc chắn sẽ xảy ra làn sóng xuất khẩu từ Trung Quốc trong quý tới.
“Điều này đã được thể hiện ở giá cước vận tải biển”, ông Zhong nhận định với tờ SCMP. “Cước vận tải biển trên các tuyến từ Trung Quốc đi bờ Đông và bờ Tây Mỹ đang tăng trở lại từ đầu tháng 11”.
Theo tính toán của Capital Economics, nhu cầu hàng hóa từ Mỹ hiện đóng góp gần 3% vào GDP của Trung Quốc. Các công ty nhập khẩu Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh mua hàng nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về thuế quan của chính quyền mới.
Cũng theo các nhà kinh tế của Capital Economics, việc Mỹ nâng cao hàng rào thuế quan và theo đuổi chủ nghĩa biệt lập cũng có thể gây bất lợi cho các đồng minh truyền thống và tạo cơ hội để Trung Quốc giảm sự kiểm soát của phương Tây đối với các công nghệ chiến lược quan trọng.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế quan với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc lên 60% hoặc hơn - một biện pháp nằm trong chiến lược ưu tiên các ngành công nghiệp Mỹ và giảm phụ thuộc vào sản xuất của nước ngoài. Đây là quan điểm quan trọng trong chương trình nghị sự kinh tế của vị cựu tổng thống.
Các nhà phân tích dự báo trong dài hạn, những thiệt hại trực tiếp với nền kinh tế Trung Quốc do thuế quan tăng lên ở Mỹ có thể sẽ không lớn. Tuần trước, các nhà kinh tế tại Capital Economics ước tính tác động trực tiếp từ thuế quan Mỹ tăng lên tới nền kinh tế Trung Quốc có thể ở mức dưới 0,5% GDP của Trung Quốc. Bởi lẽ, các công ty xuất khẩu Trung Quốc có thể “lách” thuế qua nước thứ ba và cũng nhận được hỗ trợ từ nhà chức trách thông qua việc hạ giá nhân dân tệ.
“Thuế quan của Mỹ tăng tối đa 60% có thể làm GDP của Trung Quốc giảm khoảng 1,1%. Nếu Bắc Kinh triển khai các biện pháp can thiệp qua tỷ giá hối đoái, con số này sẽ là 0,7%”, báo cáo của Capital Economics chỉ ra.
Trong nhiệm kỳ trước đó của mình, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, với việc tăng thuế quan lên 10-25% với khoảng 360 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm máy móc, hàng điện tử, nội thất, dệt may…
Trong giai đoạn từ 2017-2019, cũng là các năm trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm từ 6,8% xuống còn khoảng 6%, một phần do tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ.
TRUNG QUỐC CÓ THỂ PHẢI KÍCH THÍCH KINH TẾ BẰNG MỌI GIÁ
“Bắc Kinh có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chiến lược kích thích tăng trưởng bằng mọi giá, dù động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc có thể dịch chuyển từ xuất khẩu sang nhu cầu nội địa”, ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của Macquarie Capital, nhận xét. “Trong kịch bản cực đoan, thuế quan 60% của có thể cần tới một chương trình kích thích lên tới 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (472 tỷ USD) để bù đắp lại. Nếu mục tiêu là nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa, thì có thể cần thêm 3 nghìn tỷ nhân dân tệ nữa”.
Cũng theo ông Hu, thuế quan 60% có thể khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8% trong vòng 12 tháng tới, dù tăng trưởng kinh tế có thể sụt khoảng 2 điểm phần trăm do xung đột thương mại với Mỹ leo thang.
“Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể sẽ không lập tức tăng cường kích thích kinh tế, bởi họ cần thêm chi tiết về chính sách thương mại mới của Mỹ”, ông Hu dự báo. “Cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào tháng 12 tới sẽ quyết định các chiến lược của nước này trong bối cảnh mới nhằm ứng phó với cuộc chiến thương mại thế hệ 2.0 trong cả ngắn và dài hạn”.
Theo một ước tính của ngân hàng đầu tư China International Capital Corporation tại Bắc Kinh vào tuần trước, thuế quan toàn diện tới 60% của Trung Quốc có thể kéo tụt đáng kể kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, do đó Bắc Kinh có thể phải can thiệp hạ tỷ giá nhân dân tệ khoảng 6-9% hoặc tăng 1,5-2% thâm hụt tài khóa.
“Trong bối cảnh này, thách thức hiện tại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là tín dụng tư nhân đang suy giảm, cộng với các biện pháp ứng phó chậm chạp của nhà chức trách”, báo cáo của China International Capital Corporation chỉ ra. “Áp lực từ bên ngoài đòi hỏi Bắc Kinh có hành động chính sách quyết liệt hơn”.
Ông Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại The Economist Intelligence Unit, dự báo Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ triển khai một gói kích thích khoảng 2-3 nghìn tỷ nhân dân tệ để thúc đẩy tiêu dùng, đồng thời giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ. Ông nhận định lần này sẽ ít chứng kiến các biện pháp trả đũa thương mại qua lại lẫn nhau như trong nhiệm kỳ trước của ông Trump.
“Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã thay đổi theo hướng giảm đối đầu và các nhà lãnh đạo nước này tin rằng việc trả đũa sẽ chỉ tác động tiêu cực hơn tới nền kinh tế”, ông Xu nhận định. “Trung Quốc đang tự gắn nhãn là một quốc gia dẫn đầu về toàn cầu hóa. Do đó, nước này sẽ kiềm chế các biện pháp trả đũa, đồng thời nhắm vào các mắt xích yếu nhất của Mỹ”.