Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản. Dù là thị trường khó tính, yêu cầu cao, nhưng nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), con đường đưa hàng Việt Nam vào EU đã thuận lợi hơn trước.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, qua 3 năm thực thi EVFTA (1/8/2020-1/8/2023), Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. EU là một trong những thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt Nam. Nhờ EVFTA, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Đồng thời, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
KẾT QUẢ CHƯA NHƯ MONG ĐỢI
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 46,83 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước, chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, mặt hàng gạo, vốn không phải mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang EU nhưng cũng có kim ngạch tăng trưởng đều trong những năm gần đây. Theo cam kết tại EVFTA, EU dành hạn ngạch 80.000 tấn gạo được hưởng mức thuế quan ưu đãi cho Việt Nam mỗi năm. Năm 2022, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đã vượt hạn ngạch, đạt tới 94.510 tấn.
Đạt kết quả khá tích cực, song tại hội thảo “Xúc thương mại sang thị trường châu Âu” mới đây, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho rằng hàng nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Nguyên nhân một phần là do các biện pháp phi thuế quan như kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Mới đây nhất, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Theo đó, luật mới sẽ được áp dụng với các sản phẩm cà phê, ca cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, cao su... và các sản phẩm phái sinh từ các nước trên thế giới. Các sản phẩm thuộc nhóm này nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.
Một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Đồng thời, Luật thẩm định chuỗi cung ứng cũng là một trong số quy định cần chú ý tại EU. Luật này bắt buộc các công ty quản lý chặt chẽ các tác động về môi trường trong cả sản xuất, kinh doanh. Đây là những thách thức lớn, để được hưởng ưu đãi từ EVFTA ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì những quy định này cũng buộc doanh nghiệp phải đáp ứng.
Trước thực tế đó, để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, ông Lăng cho rằng doanh nghiệp, người sản xuất cần tiếp tục thay đổi các phương thức sản xuất xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.
Đặc biệt với các mặt hàng nông sản, doanh nghiệp cần phải nắm chắc về quy tắc xuất xứ, xem các thành phần và áp dụng quy tắc xuất xứ nào trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải nắm rõ các quy định mới của châu Âu như quy định về phát triển bền vững, thoả thuận xanh.
THIẾT LẬP CHUỖI CUNG ỨNG BỀN VỮNG
Đồng thời doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để nhận được ưu đãi. Cần tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của nước sở tại, thậm chí là thói quen tiêu dùng, sở thích của người dân như hàng hóa thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng, dán nhãn carbon, có chứng nhận tự nguyện về môi trường, đảm bảo về lao động… Hơn nữa, việc kiểm soát vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… tại thị trường EU rất nghiêm ngặt, do đó doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ các quy định an toàn thực phẩm của EU.
“Khi hàng hóa bị kiểm tra phát hiện việc sử dụng các chất cấm hoặc vượt ngưỡng theo quy định của EU thì sẽ bị trả về. Đồng thời phía EU sẽ lập tức cảnh báo trên hệ thống của toàn EU và rút các sản phẩm đó khỏi kệ hàng, trả lại. Như vậy, tương lai các sản phẩm này rất khó để xuất khẩu trở lại EU”, ông Lăng cảnh báo.
Đồng thời, ông Lăng cũng khuyến nghị để xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam sang EU như tiêu, điều, cà phê thì cần phải lưu ý tới từ vùng sản xuất. Vùng trồng phải là vùng trồng hợp pháp, chất lượng phải được kiểm soát, xanh sạch, thân thiện với môi trường.
Nhấn mạnh, điều quan trọng nhất hiện nay là uy tín và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu, ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Asean, cũng lưu ý doanh nghiệp cần phải giữ ổn định chất lượng sản phẩm, các lô hàng phải đồng đều nhau, tránh tình trạng những lô đầu tốt, những lô sau bị kém chất lượng là bị trả về và mất khách hàng.
Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ từ cơ sở sản xuất, từ người nông dân, tới chủ vựa, các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, đơn vị xúc tiến thương mại và cả về phía đối tác nhập khẩu. Từ đó thiết lập một chuỗi cung ứng bền vững, hoạt động trơn tru.
Theo ông Neil Như Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn xuất nhập khẩu Việt Nam - EU, EVFTA là điều kiện thuận lợi nhưng không phải là “biển xanh” giúp doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam vượt qua mọi trở ngại và cũng không phải nhà nhập khẩu EU luôn đứng chờ hàng Việt Nam. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn mới có thể bước vào thị trường EU cũng như tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này.
Về việc tìm khách hàng thông qua các hội chợ là phương thức đang được doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phổ biến, song không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Bởi doanh nghiệp trong nước chưa tạo được thị trường để đối tác biết đến, chưa đủ uy tín để tin tưởng.
“Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn khi tham gia vào thương trường quốc tế, do cách tiếp cận khách hàng không hiệu quả, mất liên lạc với khách hàng sau khi gửi mẫu và báo giá”, ông Neil Như Nguyễn nêu thực trạng. Đồng thời khuyến nghị trước khi tham gia một hội chợ quốc tế, doanh nghiệp cần trả lời một số câu hỏi như sau: Sản phẩm của mình có tiềm năng khôn; Người tiêu dùng phản hồi về giá chất lượng mẫu mã như thế nào; Doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối phản hồi thế nào về sản phẩm; Sản phẩm có thể phân phối ở đâu, hệ thống nào; Chiến lược giá cả ra sao, mức độ tin cậy của doanh nghiệp như thế nào…
EU có rất nhiều hội chợ thường diễn ra tháng 9, 10, 11 hàng năm, nhà nhập khẩu tới đây đi tìm nguồn hàng cho năm sau. Vì vậy, ông Neil Như Nguyễn cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới các hội chợ chuyên ngành, đặc biệt cần có hàng mẫu dự bị tránh tình trạng tham gia hội chợ mà không có hàng hoá giới thiệu.
Theo gợi ý của ông Remi Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn MLR, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), doanh nghiệp Việt Nam có thể thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Có thể sử dụng phương thức này để kiểm nghiệm sản phẩm tại chính thị trường Việt Nam. Nếu sản phẩm được chấp nhận, doanh nghiệp có thể tiệm cận dần tới xuất khẩu. Trải nghiệm của người nước ngoài tại Việt Nam rất quan trọng, bởi họ có thể cung cấp hành vi, thái độ mua hàng và cả văn hóa của người mua hàng, giúp doanh nghiệp Việt Nam có dữ liệu cơ bản để nghiên cứu trước khi bước ra thị trường lớn.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2023 phát hành ngày 18-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam