Trong Sách Trắng Thương mại Điện tử 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương - cho biết Việt Nam có số lượng người mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á, với khoảng 49,3 triệu người. Trong hai năm qua, nhiều người tiêu dùng và các công ty của Việt Nam đã chuyển sang môi trường trực tuyến, theo trang The Star của Malaysia.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, cho biết thương mại điện tử đã bùng nổ kể từ khi đại dịch bắt đầu. Hơn 70% dân số có quyền truy cập Internet và gần 50% tham gia mua sắm trực tuyến.
Mua sắm trực tuyến bùng nổ đã mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành e-logistics, vốn đang phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực hiện đơn hàng và giao hàng chặng cuối.
Tốc độ giao hàng là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hài lòng và khả năng giữ chân khách hàng trong thị trường trực tuyến cạnh tranh khốc liệt, các cửa hàng trực tuyến cung cấp sản phẩm chất lượng và giao hàng nhanh luôn chiếm được lợi thế.
Theo các công ty hậu cần, nhu cầu vận chuyển các loại hàng hóa cụ thể hoặc nhập khẩu cũng tăng lên, đặc biệt là chuyển phát nhanh xuyên biên giới.
Các xu hướng tiêu dùng mới và sự bùng nổ thương mại điện tử đòi hỏi các công ty chuyển phát nhanh, vận chuyển và giao nhận phải điều chỉnh mô hình và chiến lược kinh doanh.
"Nhiều công ty đã tung ra các dịch vụ chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng khác nhau và chấp nhận chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sự hài lòng của khách hàng", trang The Star viết.
Các công ty chuyển phát cho biết cơ sở hạ tầng giao thông hiện đang không đảm bảo tốc độ giao thông mong muốn của họ, tình trạng ùn tắc thường xuyên ở cả thành phố và trên các tuyến đường liên tỉnh khiến họ gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, khó khăn này chưa có giải pháp tức thời và vì vậy các công ty buộc phải tìm cách tối ưu hóa thời gian xử lý đơn hàng.
Hầu hết những người bán hàng trực tuyến đều yêu cầu giải pháp giao hàng tận nơi và điều này đã kích thích sự tăng trưởng, đặc biệt là đối với các dịch vụ chuyển phát nhanh.
Trong vài năm gần đây, các công ty chuyển phát đã tích cực liên kết với các bên thứ ba để cung cấp các gói dịch vụ và giải pháp tích hợp nhằm tối ưu hóa hoạt động của người bán và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Ví dụ, J&T Express đã ký kết các thỏa thuận với Pancake, Upos, Haravan và Kiot Việt để người bán có thể theo dõi toàn bộ quá trình vận chuyển và chất lượng hàng hóa trong từng giai đoạn, đồng thời kiểm soát lượng hàng hóa ra vào kho.