Theo báo cáo "Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021" của Agility xếp hạng Việt Nam ở Top 8 thị trường logistic tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Còn SYNC Southeast Asia- (SYNC Đông Nam Á) của Facebook và Bain& Company (Mỹ), thương mại điện tử Việt Nam được dự báo phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) đạt 56 tỷ USD năm 2026.
Với sức hấp dẫn này, cuộc đua e-Logistics - dịch vụ hậu cần thương mại điện tử trong nước ngày càng sôi nổi, cạnh tranh nhiều hơn, đòi hỏi ứng dụng công nghệ, chiến lược dịch vụ chăm sóc khách hàng và phát triển hệ sinh thái.
Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy đã buổi trao đổi với ông Phan Xuân Dũng, CEO của Ninja Van, đây là doanh nghiệp cán mốc tăng trưởng 200% trong lĩnh vực e-Logistics trong năm 2021.
Thưa ông, nhịp sống bình thường cũ đã quay trở lại, điều này đồng nghĩa với sự bùng nổ của thương mại điện tử, vậy đâu là thời cơ của các doanh nghiệp chuyên vận chuyển, giao vận tại Việt Nam?
Năm 2022 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc Việt Nam dần mở cửa và quen thuộc với cuộc sống bình thường mới, số lượng đơn hàng thông qua các sàn thương mại điện tử không ngừng gia tăng.
Đồng thời, có hàng trăm ngàn người bán hàng online mới gia nhập thị trường thông qua các tính năng bán hàng trên mạng xã hội như TikTok Shop, Instagram Reels, Zalo Shop… khiến thị thường e-logistics thực sự bùng nổ.
Hiện nay, theo tôi đánh giá, ngành vận chuyển, giao vận tại Việt Nam đang rất tiềm năng, đây thực sự là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp chuyên về dịch vụ hậu cần thương mại điện tử (e-Logistics) phát triển.
Là một công ty e-Logistics công nghệ còn khá non trẻ, vừa mới vào thị trường Việt Nam (tháng 3/2018), Ninja Van gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Có thể nói, thế mạnh công nghệ đã giúp Ninja Van nhanh chóng trở thành Top 3 đối tác e-Logistics tin tưởng của các sàn thương mại điện tử lớn với lượng hơn hơn 300.000/ngày; Đội ngũ nhân viên phát triển nhanh, trẻ, năng động; Các chính sách hỗ trợ thương mại điện tử phát triển của Chính phủ Việt Nam thúc đẩy đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường… khiến cho chúng tôi gặp nhiều thuận lợi.
Bên cạnh đó, do tính đặc thù của việc thanh toán trong thương mại điện tử tại Việt Nam, 95% khách mua hàng chọn COD (cash-on-delivery) khiến việc giao/nhận hàng trở nên phức tạp và khó quản lý hơn.
Hơn nữa, thời gian vận chuyển tại Việt Nam dài hơn các nước trong khu vực do cơ sở hạ tầng cầu đường còn đang nâng cấp; Nguồn hàng hóa kinh doanh trên sàn còn chưa đa dạng, phụ thuộc vào việc nhập hàng từ các quốc gia khác nên hay gặp tình trạng nghẽn hàng… từ đó e-Logistics cũng có nhiều biến động.
Trước những thời cơ rất lớn đã được mở ra ở giai đoạn hậu đại dịch, vậy chiến lược của NinjaVan trong thời gian tới và kế hoạch để thực thi chiến lược này là gì?
Ninja Van vẫn tập trung cải tiến để mở rộng mảng kinh doanh logistics cốt lõi. Trong năm 2022, Ninja Van tập trung phát triển những mảng dịch vụ mới như: Ninja Direct cung cấp dịch vụ thông quan hải quan, chuỗi cung ứng tài chính và vận chuyển cho các khách hàng doanh nghiệp; Ninja Retail nhượng quyền kinh doanh bưu cục và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; Ninja Mart số hóa mô hình tạp hóa truyền thống…
Riêng về mảng vận chuyển, mục tiêu của Ninja Van là mở rộng số lượng bưu cục lên đến 1.000 điểm trên toàn quốc, tuyển gấp đôi số lượng tài xế, xây thêm kho hàng nhằm rút ngắn thời gian, khoảng cách để phục vụ tốt hơn cho cả người bán hàng lẫn người mua hàng, thực hiện châm ngôn “Giao thông suốt – Nhận vẹn nguyên”.
Về hạ tầng kho bãi, cải tiến quy trình, chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống chia chọn tự động hai triệu kiện hàng tại 5 kho chính để tăng tốc độ giao nhận, khả năng xếp hàng và năng suất lao động. Dây chuyền này có thể được nâng cấp bằng thuật toán tối ưu. Chẳng hạn, đơn hàng ở xa nhất phải được xếp ở đáy túi hàng, đơn hàng có khoảng cách gần thì nằm ở trên.
Về hợp tác, chúng tôi tìm kiếm đối tác chuyên nghiệp để mở rộng mô hình bưu cục nhượng quyền 0 đồng cho dân cư các tỉnh với mặt bằng sẵn có và đang muốn khởi nghiệp, chủ động tạo ra dòng tiền. Ninja Van sẽ tư vấn, đào tạo, hỗ trợ và cam kết hiệu quả kinh doanh với họ.
Đặc biệt về hỗ trợ doanh nghiệp, Ninja Van hiểu và đồng cảm với khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cũng như người mới bán với lượng đơn siêu nhỏ, khách cá nhân.
Xin ông nói rõ hơn các cam kết hỗ trợ đối với doanh nghiệp, đối tác tài xế vận chuyển và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững?
Các SMEs, doanh nghiệp siêu nhỏ thường ít nhận được hỗ trợ tận tình từ các nhà cung cấp e-logistics trên thị trường, thời gian đối soát lâu khiến xoay vòng vốn khó khăn, chăm sóc chưa nhiệt tình, lấy/giao hàng chậm… Để giải quyết vấn đề đó, Ninja Van cung cấp nhiều phương thức hỗ trợ như: mở rộng mạng lưới bưu cục, tăng tài xế giao nhận, hẹn giờ lấy hàng để tăng độ chủ động...
Đối với đối tác tài xế vận chuyển, Ninja Van gia tăng chính sách thưởng, quan tâm đến đời sống tinh thần của họ qua những hoạt động doanh nghiệp, gặp gỡ, tuyên dương, nhân rộng mô hình giao hàng chuyên nghiệp… Trong đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ bằng việc mở “Học viện Ninjas” huấn luyện về quy cách ứng xử công việc, nâng cao uy tín thương hiệu…
Theo quan niệm của tôi, mục tiêu phát triển bền vững là ứng dụng công nghệ mới, đổi mới cách vận hành và luôn đảm bảo chăm lo, hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp cùng đối tác của mình để cùng nhau tiến bộ và hướng đến sự thịnh vượng chung.
Tại Lễ Vinh danh các doanh nghiệp Rồng Vàng tiêu biểu 2022 (Golden Dragon Awards 2022) diễn ra ngày 8/4, Ninja Van đã vinh dự nằm trong Top 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2021-2022. Doanh nghiệp có chính sách và kế hoạch chủ động ứng phó trong bối cảnh Covid, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người lao động, có chủ trương chính sách hóa, quy định hóa các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người và môi trường xã hội, tôn trọng sự đa dạng, đề cao tính nhân văn và bao trùm trong chiến lược và kế hoạch hành động.