Trước khi khởi động cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến gần hơn bao giờ hết tới mục tiêu lạm phát. Tuy nhiên, việc Fed giảm lãi suất bao nhiêu trong lần hạ đầu tiên của chu kỳ nới lỏng này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Các số liệu thống kê công bố trong tuần vừa rồi cho thấy áp lực tăng giá cả ở Mỹ đã giảm đi nhiều sau giai đoạn tăng chóng mặt vào năm 2021-2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - một thước đo giá bán buôn - cho thấy sức ép tăng giá trong tương lai về cơ bản đã được kiểm soát.
Cả hai chỉ số này gần như chắc chắn sẽ dọn đường để Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - đưa ra một quyết định hạ lãi suất khi kết thúc cuộc họp vào ngày 18/9. Cùng với quyết định về lãi suất, tuyên bố sau cuộc họp này của Fed còn bao gồm dự báo cập nhật hàng quý về các chỉ số kinh tế Mỹ quan trọng như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), lạm phát và thất nghiệp.
“Chúng ta đã có hơn 2 tháng dữ liệu lạm phát khả quan” kể từ lần họp trước của Fed “Đó là những gì Fed cần” - nhà kinh tế trưởng Claudia Sahm của công ty New Century Advisors nhận định với hãng tin CNBC.
Nhưng một câu hỏi mà thị trường đang đặt ra là Fed nên hạ lãi suất với tốc độ như thế nào? Các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đến hiện tại vẫn chưa thể đưa ra một câu trả lời nhất quán cho câu hỏi này.
LẬP LUẬN CỦA PHE 0,5 ĐIỂM PHẦN TRĂM
Trong phần lớn thời gian của tuần vừa rồi, thị trường lãi suất tương lai đặt cược chủ yếu vào khả năng Fed chọn mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Nhưng đến hôm thứ Sáu, đặt cược vào mức giảm 0,25 và 0,5 điểm phần trăm đã gần như ngang bằng - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Bà Sahm thuộc về phe cho rằng Fed nên chọn mức giảm lãi suất lớn hơn. Bà cho rằng chỉ riêng dữ liệu lạm phát “đã đủ để Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tuần tới và tiếp tục có một loạt đợt cắt giảm sau đó”.
“Lãi suất quỹ liên bang đã duy trì trên mức 5% trong hơn 1 năm để chống lạm phát. Cuộc chiến này đã thắng lợi và Fed cần rút khỏi lãi suất cao”, nhà kinh tế học nhấn mạnh. Theo bà, điều này có nghĩa rằng việc Fed khởi động chu kỳ nới lỏng bằng mức giảm 0,5 điểm phần trăm là cách để ngăn rủi ro thị trường việc làm xấu đi nhanh chóng.
“Thị trường việc làm đã suy yếu kể từ tháng 7. Đó là một lý do để Fed căn chỉnh lại triển vọng lãi suất. Sau đó, chúng ta lại có thêm những thông tin mới. Tất cả cho thấy Fed cần giải quyết gọn ghẽ vấn đề, tức là giảm ngay lãi suất 0,5 điểm phần trăm và sẵn sàng hạ thêm nữa”, bà Sahm phát biểu.
Các báo cáo lạm phát cho thấy cuộc chiến đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed chưa thực sự hoàn tất, nhưng ít nhất mọi thứ đang đi đúng hướng. CPI tháng 8 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, CPI lõi tăng 3,2% - vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu.
Dù vậy, phần lớn mức tăng của lạm phát lõi đến từ tình trạng tăng dai dẳng của chi phí ở nhóm nhà ở, bao gồm giá nhà và giá thuê nhà. Đây là nhóm chiếm tỷ trọng 27% trong rổ hàng hóa và dịch vụ tính CPI của Mỹ, và so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí nhà ở đã tăng 5,4%.
Dù áp lực lạm phát còn có phần dai dẳng, các cuộc khảo sát người tiêu dùng Mỹ phản ánh một niềm tin rằng lạm phát đã được kiềm chế nếu không muốn nói là bị kiềm chế hoàn toàn. Những người tham gia cuộc khảo sát của Đại học Michigan vào tháng 9 dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ ở mức 2,7% trong 12 tháng tới, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2000.
Khi tính đến nhiều động lực lạm phát khác nhau, Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi cuối tháng 8 nói rằng “niềm tin của ông đã tăng lên” rằng lạm phát đang có xu hướng quay trở lại mức 2%.
Đà xuống thang của lạm phát đồng nghĩa trọng tâm chính sách của Fed được dịch chuyển sang bảo vệ thị trường việc làm. Trong cùng một bài phát biểu tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, ông Powell nói rằng Fed “không tìm kiếm hoặc hoan nghênh sự suy giảm hơn nữa của thị trường việc làm”.
Sứ mệnh của Fed gồm hai nội dung là ổn định giá cả và đảm bảo một thị trường việc làm lành mạnh. Hơn 2 năm qua, Fed tập trung chống lạm phát, và giờ là lúc nhiệm vụ chính của ngân hàng trung ương này có vẻ sắp thay đổi.
Bà Sahm nhận xét: “Nếu ông Powell muốn thực hiện cam kết “không muốn suy yếu thêm, không hạ nhiệt thêm’, thì họ sẽ phải thực sự hành động từ đây, bởi vì một xu hướng hạ nhiệt đã được thiết lập rõ ràng”.
“Cho đến khi xu hướng này bị cắt đứt, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến tốc độ tạo công ăn việc làm mới giảm xuống và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
PHE 0,25 ĐIỂM PHẦN TRĂM NÓI GÌ?
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng Fed chỉ nên giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này - và lựa chọn như vậy phản ánh rằng Fed vẫn còn nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống lạm phát và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ không quá lo lắng về thị trường lao động hay rủi ro suy yếu rộng hơn của nền kinh tế.
Nhà kinh tế Tom Simons của ngân hàng đầu tư Jefferies nhận định: “Có một điểm mấu chốt mà Fed cần chứng minh, đó là họ chỉ đang bình thường hóa chính sách tiền tệ chứ không cố gắng nới lỏng chính sách để ứng phó với một nền kinh tế đang thực sự có vấn đề. Tôi cho rằng đến hiện tại, Fed đã làm rất tốt việc bày tỏ quan điểm này”.
Ông Simons dự báo Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này và với mức giảm như vậy, Fed sẽ còn nhiều dư địa để hành động về sau.
Trên thực tế, thị trường dự báo Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng 1,25 điểm phần trăm trong năm nay. Lượng giảm đó phản ánh một đòi hỏi cấp bách Fed phải hạ lãi suất xuống từ mức cao nhất 23 năm hiện tại là 52,5-5,5%.
“Toàn bộ lý do khiến Fed đến nay còn thận trọng về giảm lãi suất là họ lo lắng về sự trở lại của lạm phát. Giờ đây, họ đã có được niềm tin lớn hơn dựa trên các số liệu kinh tế cho thấy lạm phát sẽ không ngay lập tức quay trở lại. Nhưng Fed thực sự phải rất cẩn trọng khi theo dõi những động lực có khả năng biến đổi”, ông Simons phát biểu trên CNBC.