Nhiều vấn đề xung quanh vi phạm của các "ông lớn" kinh doanh xăng dầu đầu mối trong trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay nợ thuế bảo vệ môi trường "khủng" kéo dài làm nóng buổi họp báo thường kỳ quý 4/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 19/1.
CƯỠNG CHẾ MẠNH TAY, DOANH NGHIỆP VẪN NỢ THUẾ NGHÌN TỶ
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ mặc dù còn nợ ngân sách nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường là 6.324 tỷ đồng.
Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường, không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp.
Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil nợ Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường 1.246 tỷ đồng; nợ Quỹ bình ổn giá là 213 tỷ đồng. Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà đang nợ thuế hơn 1.736 tỷ đồng, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường mà người tiêu dùng đã đóng vào ngân sách nhà nước thông qua việc mua xăng, dầu của công ty.
Trước nhiều ý kiến truy hỏi về trách nhiệm của cơ quan thuế trước tình trạng nợ thuế nhức nhối kể trên, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết theo Luật Quản lý thuế và các quy định liên quan, doanh nghiệp tự khai, tự tính và tự nộp thuế. Còn cơ quan quản lý thuế thực hiện chức năng đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế của doanh nghiệp và có trách nhiệm thu hồi nợ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước.
Với Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà, ông Mai Sơn cho biết Cục Thuế Thái Bình đã đôn đốc và áp dụng quy trình cưỡng chế nợ thuế.
Theo đó, khi phát sinh nợ thuế từ 91 ngày trở lên, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế tài khoản; từ ngày 121 cưỡng chế hoá đơn, áp dụng biện pháp khác theo Luật Quản lý thuế như cấm xuất cảnh với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hay kê biên tài sản.
Tuy nhiên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng việc thu hồi nợ thuế gặp khó khăn do cơ quan thuế không nắm được dòng tiền của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc kê biên tài sản cũng vướng mắc khi doanh nghiệp đã lấy làm tài sản đảm bảo khoản vay tại ngân hàng. Khi xảy ra sự vụ, tài sản này sẽ được ưu tiên xử lý trước tại ngân hàng, tài sản còn lại sẽ cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiếp theo.
Vì vậy, trong năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ đánh giá quy trình, biện pháp và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: báo cáo tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh.
Tới đây, khi sửa đổi quy định pháp luật, cơ quan thuế cũng sẽ đánh giá lại những khó khăn khi cưỡng chế, kê biên tài sản để bổ sung, sửa đổi phù hợp.
Bổ sung thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cho biết việc quản lý thuế theo nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự xác định số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước. Còn việc quản lý dòng tiền do doanh nghiệp chủ động, quản lý theo Luật Doanh nghiệp, cơ quan thuế có trách nhiệm giám sát ở mức độ cao hơn, chứ không thể kiêm nhiệm tất cả.
"Chỉ đến khi cơ quan thanh kiểm tra mới phát hiện những vấn đề liên quan. Các doanh nghiệp vi phạm về quản lý dòng tiền sẽ bị xử lý theo quy định", ông Chi khẳng định.
THỰC HIỆN NGHIÊM KẾT LUẬN THANH TRA, RÀ SOÁT LẠI TỔNG THỂ
Về sự bất ổn khi quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, Bộ Tài chính ngay lập tức có văn bản gửi doanh nghiệp kinh doanh đầu mối kinh doanh xăng dầu và đề nghị nghiêm túc thực hiện theo kết luận thanh tra cũng như rà soát tổng thể để điều chỉnh phù hợp.
"Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp là chuỗi số liệu nhiều kỳ, Bộ Tài chính đã gửi văn bản đến doanh nghiệp, Cục Quản lý giá đã mời từng doanh nghiệp lên để trao đổi, làm rõ số liệu. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị doanh nghiệp rà soát lại, phối hợp cơ quan liên quan để thực hiện đầy đủ theo kết luận thanh tra", ông Bình nêu rõ.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng báo cáo để phối hợp với các bộ, các đơn vị liên quan thực hiện tổng thể theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Trong đó có các nội dung liên quan đến số dư quỹ, sử dụng quỹ, kết chuyển đúng quy định.
Lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết thêm thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đã bị phạt 5 lần và thanh tra bộ đang tiếp tục xử lý.
Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với 3 vụ việc.
Thứ nhất, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và việc sử dụng Quỹ bình ổn giá tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Thứ hai, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil.
Thứ ba, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà.