Trong thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu do Thanh tra Chính phủ vừa công bố cho thấy nhiều bất cập trong quản lý việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP không quy định thời điểm kê khai, nơi nộp thuế bảo vệ môi trường đối với sản lượng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được loại trừ khi tính thuế và được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP.
Điều này dẫn đến các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khai, tính thuế bảo vệ môi trường thiếu. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường năm 2019 tạm tính kê khai thiếu khoảng 4.901 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp kê khai, nộp thuế môi trường tự thoả thuận với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi mua bán xăng dầu của nhau, dẫn đến các đơn vị liên quan kê khai thiếu số thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là khoảng 17,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, thuế bảo vệ môi trường được tính trong giá cơ sở xăng dầu là thuế gián thu, Nhà nước giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thu trên số lượng xăng dầu bán ra và nộp vào ngân sách nhà nước.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, khối lượng tiêu thụ lớn, khi người tiêu dùng mua xăng dầu là trả ngay tiền hàng và tiền thuế bảo vệ môi trường.
"Tuy nhiên, do Tổng cục Thuế và nhiều cục thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được kiểm tra đã phát hiện nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010 và khoản 1 Điều 4 Thông tư 39/2014/TTLT- BCT-BTC", Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai sót.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tại thời điểm 31/10/2022, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường là 6.324 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2022, có 6/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được thanh tra đang nợ tiền thuế bảo vệ môi trường là 3.219 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường, không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp.
Đáng quan ngại, theo Thanh tra Chính phủ, mặc dù còn nợ ngân sách nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức từ năm 2017 đến năm 2022 cho ông Chu Đăng Khoa, Phó Tổng giám đốc và bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty mượn số tiền 7.485 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân nêu trên còn nợ công ty tổng số tiền là 1.396 tỷ đồng.
Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã âm vốn chủ sở hữu 462 tỷ đồng; nợ Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường 1.246 tỷ đồng; nợ Quỹ bình ổn giá là 213 tỷ đồng. Sơ bộ công ty nợ 1.921 tỷ đồng nhưng công ty đang cho bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty nợ 2.978 tỷ đồng.
Ngày 9/1/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an vừa tiến hành khám xét tại trụ sở Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, đơn vị đứng đầu danh sách tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế ở Thái Bình.
Công ty này hiện đang nợ thuế hơn 1.736 tỷ đồng, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường mà người tiêu dùng đã đóng vào ngân sách nhà nước thông qua việc mua xăng, dầu của Công ty Hải Hà.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai là người đại diện theo pháp luật, vì liên quan đến vấn đề nợ thuế.
Trong thông báo này, gửi kiến nghị đối với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong quản lý, để thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nợ thuế bảo vệ môi trường thời gian dài, số lượng lớn.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, cục thuế các tỉnh kiểm tra, rà soát thu ngân sách nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ, nộp chậm với số tiền 6.324 tỷ đồng, tính lãi chậm nộp theo quy định.
Kiểm tra, rà soát việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có năm 2019 đã nêu trong phần kết quả và kết luận thanh tra, qua đó, xác định rõ số thuế bảo vệ môi trường kê khai thiếu, chưa nộp.
Ngoài ra, kiểm tra, rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đã ban hành thuộc thẩm quyền, phù hợp với quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường, đảm bảo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, thất thu thuế.