Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,55 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá mua vào là 53,15 triệu đồng/lượng và bán ra là 54,1 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,6 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 14,6 triệu đồng/lượng, bằng với mức chênh lệch sáng qua nhưng đã giảm nhiều so với mức chênh trên 18 triệu đồng/lượng vào đầu tháng này.
Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.768,9 USD/oz, giảm 5,9 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Tư tại thị trường New York. Mức giá này quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank tương đương khoảng 53 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giao ngay giảm 5,4 USD/oz, tương đương giảm 0,3%, chốt ở 1.774,8 USD/oz. Có thời điểm trong phiên, giá vàng vượt 1.782 USD/oz, cao nhất kể từ hôm 17/8 - theo dữ liệu từ Kitco.
Trang MarketWatch dẫn nhận định của ông Brien Lundin, biên tập viên trang Gold Newsletter: “Chu kỳ tăng/nghỉ của giá vàng bắt đầu cách đây khoảng 1 tuần, khi giá vàng có vẻ đã phá vỡ mối tương quan tỷ lệ nghịch với chỉ số Dollar Index. Phiên này, thị trường vàng ghi nhận sự gia tăng nhu cầu mua vàng để phòng ngừa rủi ro, nhưng trong thời gian rất ngắn ngủi”.
Nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro mà ông Lundin nhắc đến liên quan đến việc tên lửa Nga được cho là rơi xuống Ba Lan. Tuy nhiên, Ba Lan ngày 16/11 nói rằng không có dấu hiệu này cho thấy đây là một cuộc tấn công có chủ đích.
Hiện tại, giá vàng có vẻ đang chững lại sau đợt tăng vừa rồi và đang chờ chất xúc tác tiếp theo - theo ông Lundin. Vị chuyên gia cho rằng việc giá vàng sắp tới có bứt phá hay không sẽ tuỳ thuộc vào các tín hiệu về chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngày 16/11, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, nói rằng lãi suất của Fed có thể phải tăng vượt 5% để khiến áp lực lạm phát trong nền kinh tế giảm xuống. Trong khi đó, Thống đốc Christopher Waller của Fed - một người vốn thường đưa ra quan điểm cứng rắn về lạm phát - nói ông giờ đây “cảm thấy thoải mái hơn” với việc tăng lãi suất với bước nhảy ngắn hơn trong thời gian tới vì các số liệu cho thấy giá cả tăng chậm lại.
Ông Lundin dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thay vì 0,75 điểm phần trăm, trong cuộc họp tháng 12 và sau đó tạm dừng tăng để chờ xem các đợt tăng lãi suất vừa qua có hiệu ứng như thế nào với nền kinh tế.
“Với lạm phát có thể đã qua đỉnh và suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra, Fed có thể sẽ tạm dừng tăng lãi suất một thời gian. Điều này sẽ có lợi không chỉ cho vàng mà cả các tài sản khác, ít nhất là một trong thời gian ngắn. Trong dài hơn hạn, tôi tin rằng mức giá hiện nay của vàng là rẻ”, ông Lundin nói
Theo chiến lược gia Daniel Ghali của TD Securities, trong ngắn hạn, có khả năng giá vàng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu mua vào để đóng trạng thái của các nhà đầu cơ bán khống, nhưng một khi giá vàng vượt 1.850 USD/oz, áp lực giảm sẽ tăng lên và giá vàng có thể giảm trở lại.
Sau khi mua ròng 0,5 tấn vàng trong hai phiên đầu tuần, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng gần 4 tấn vàng trong phiên ngày thứ Tư, giảm khối lượng nắm giữ còn 906,4 tấn vàng.