July 10, 2024 | 15:43 GMT+7

Giá xuất khẩu cao su vẫn neo cao, Trung Quốc, Ấn Độ chiếm gần 73% tổng kim ngạch

Chu Khôi -

Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt khoảng 722 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất...

Đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác và thu hoạch cao su.
Đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác và thu hoạch cao su.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2024 đạt khoảng 150 nghìn tấn, trị giá 238 triệu USD; giảm 17% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với tháng 6/2023. Giá xuất khẩu cao su bình quân ở mức 1.586 USD/tấn, tăng 19,6% so với tháng 6/2023.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CAO SU ĐẠT 1 TỶ USD

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 722 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR 20, SVR CV50... Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 54,44% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.

Về thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, với sản lượng đạt 480 nghìn tấn, trị giá 694 triệu USD, chiếm 66,5% về lượng và chiếm 63,7% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước. Giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trung bình đạt 1.445 USD/tấn, tăng 6,4% về giá so với 6 tháng đầu năm 2023.

Đứng thứ hai là thị trường Ấn Độ, đạt gần 57 nghìn tấn, kim ngạch khoảng 91 triệu USD; tăng 42,8% về lượng, tăng 63,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tuy là thị trường lớn thứ 2, nhưng Ấn Độ chỉ chiếm 9,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Giá cao su xuất khẩu sang Ấn Độ cao hơn rất nhiều so với giá cao su xuất khẩu vào Trung Quốc, đạt trung bình 1.605 USD/tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

"Tăng trưởng tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu, dự kiến duy trì ở mức 4-6% hàng năm, chủ yếu nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe, đặc biệt là ở Trung Quốc".

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA).

Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3 mua cao su từ Việt Nam, với hơn 24 nghìn tấn và 39,5 triệu USD; tăng 23% về lượng, tăng 35% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng đạt được mức cao, trung bình 1.640 USD/tấn; tăng 9,9% về giá so với nửa đầu năm trước.

Đặc biệt, tuy không phải là thị trường chủ lực, nhưng xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Indonesia tăng gấp 2 lần trong 6 tháng đầu năm nay, với gần 2,4 nghìn tấn và 4,3 triệu USD.

Về thị trường cao su thế giới, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) vừa điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,74 triệu tấn; đồng thời, điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,50 triệu tấn. Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay.

Điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina cùng với bệnh rụng lá đang tác động tiêu cực đến nguồn cung cao su toàn cầu. ANRPC cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 - 800.000 tấn/năm.

NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH CỦA CAO SU

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện Việt Nam có quy mô sản lượng mủ cao su đạt 1,3 triệu tấn mỗi năm từ 910.000 ha diện tích trồng cây cao su. Tuy nhiên, chỉ 70-75% trong số này là các cây cao su trưởng thành sẵn sàng khai thác.

Trong tháng 6/2024, giá mủ chén và mủ nước tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Tại một số công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 350-405 đồng/TSC, tăng khoảng 100-160 đồng/TSC so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 350-405 đồng/TSC; Công ty Cao su MangYang báo giá thu mua ở mức 382-386 đồng/TSC; Công ty Cao su Bà Rịa thu mua ở mức 380-390 đồng/TSC, tăng 15-24 đồng/TSC so với cuối tháng 5/2024.

 

"Hiện đang là thời điểm thu hoạch cao su, tuy nhiên lượng cao su đưa ra thị trường không nhiều. Tình trạng này đã khiến giá mủ chén và mủ tươi tăng mạnh ở nhiều thị trường địa phương. Giá mủ cao su và giá cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam”,

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA).

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết giá bán bình quân mủ cao su sơ chế trong nửa đầu năm nay đạt 38,4 triệu đồng/tấn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023, là một tín hiệu tích cực cho những tháng cuối năm.  Với các diễn biến hiện tại, giá bán cao su của cao su Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong nửa cuối năm nay.

Để nâng cao sức cạnh tranh cao su Việt Nam, hiện VRG đang thực hiện nhiều giải pháp đưa tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cao su. Cụ thể, áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất vườn cây cao su, năng suất lao động, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, nâng cao khả năng thích ứng.

Với thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay và những đòi hỏi cao hơn trong công tác nâng cao hiệu quả sử dụng của giống cây cao su. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã ban hành cơ cấu giống đạt được tiến bộ về năng suất, sản lượng và khả năng thích nghi theo vùng.

Theo đó, nhóm giống để giải quyết một số hạn chế đặc thù vùng và tiểu vùng, như: RRIV 124 phù hợp với cao trình cao, PB 255 rất phù hợp với tiểu vùng đất đỏ tại Bình Phước, IAN 873 chịu rét tốt phù hợp cho khu vực miền núi phía Bắc, RRIV 4 với năng suất rất cao, phù hợp cho một số tiểu vùng ít gió và cần quản lý tốt bệnh lá.

Để phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của VRG, công tác quản lý sâu bệnh hại trên vườn cao su đang được xây dựng theo hướng quản lý tổng hợp, nhằm nâng cao hiệu quả, giảm công lao động, giảm sử dụng hóa chất và chi phí hợp lý.

Trên cơ sở thu thập và hệ thống hóa số liệu liên quan đến các yếu tố phát sinh phát triển sâu bệnh, VRG đã xây dựng các chương trình dự tính dự báo những loại sâu bệnh hại phổ biến trên vườn cây cao su của các vùng miền để phục vụ sản xuất.

Để nâng cao năng suất lao động trong việc thu hoạch mủ cao su, tiến bộ kỹ thuật mới trong cạo mủ cao su đã được áp dụng, với việc sử dụng dao cạo lắp ghép; áp dụng thu mủ đông với chén dung tích lớn 1,8 lít kết hợp các biện pháp che mưa phù hợp… Kỹ thuật cạo mủ cải tiến mới này giúp tiết kiệm vỏ nguyên sinh cây cao su (khoảng 2 cm/ năm), đồng thời giúp tăng năng suất lao động từ đó tăng thu nhập cho người cạo mủ, tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn ở cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay, tiết kiệm 20 – 33% nhu cầu lao động cạo mủ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate