Tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại nhiều năm nay. Trước kỳ học Quốc hội thứ 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận được loạt phản ánh của các cử tri về việc phân bổ biên chế giáo viên cho các tỉnh, thành phố để đảm bảo việc giảng dạy.
LOẠT KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC PHÂN BỔ CHỈ TIÊU BIÊN CHẾ GIÁO VIÊN
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước từng phản ánh về tình trạng, số lượng học sinh tăng hàng năm dẫn đến số lượng trường, lớp tăng, trong khi đó biên chế của ngành giáo dục không tăng mà còn bị cắt giảm. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh, bổ sung, phân bổ thêm biên chế giáo viên cho các tỉnh, thành phố để đảm bảo việc giảng dạy ở các địa phương.
Ý kiến trên không phải là riêng lẻ. Cử tri TP Hải Phòng cũng kiến nghị về việc phân bổ và giao chỉ tiêu biên chế giáo viên theo nhu cầu từng tỉnh, thành phố để các địa phương chủ động trong việc đào tạo, tuyển dụng và sử dụng. Đồng thời nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách cụ thể riêng đối với việc giảm biên chế, giao chỉ tiêu biên chế để việc phân bổ chỉ tiêu biên chế được thuận lợi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai về việc, trường hợp Trung ương không bổ sung đủ biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023 thì cử tri đề nghị có văn bản cho phép địa phương không tiếp tục tinh giản biên chế giáo dục và được phép hợp đồng giáo viên đứng lớp trong định mức quy định, kinh phí trả lương hợp đồng trong phạm vi ngân sách địa phương tự cân đối.
Trả lời cử tri về việc bổ sung biên chế giáo viên, Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026).
Bộ đề nghị Đoàn Đại biểu quốc hội có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương tổ chức tuyển dụng giáo viên theo chỉ đạo của Bộ GDĐT tại Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 02/8/2022 về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW.
Bên cạnh đó, Bộ đề nghị Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh có ý kiến với UBND tỉnh tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; xây dựng nhà công vụ giáo viên để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường, giúp giáo viên yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Đặc biệt, ưu tiên biên chế giáo viên đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn hoặc bố trí kinh phí để hợp đồng lao động đối với những trường còn thiếu biên chế để tuyển giáo viên.
ĐỊA PHƯƠNG CẦN LINH HOẠT CÁC GIẢI PHÁP
Về ý kiến của cử tri Hải Phòng, Bộ Giáo dục Đào tạo cho rằng, việc tinh giảm biên chế theo nguyên tắc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc. Do đó, địa phương cần có các giải pháp phù hợp để bảo đảm có đủ số lượng giáo viên giảng dạy cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Để có thể bố trí đủ chỉ tiêu biên chế đối với ngành giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu của địa phương trong điều kiện thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị TP Hải Phòng thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng tinh gọn; cơ cấu lại đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo, gắn với tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Thứ hai, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật (phù hợp với đặc điểm vùng, miền), định mức chi phí theo thẩm quyền, làm cơ sở để ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Thứ ba, đổi mới phương thức cấp ngân sách bình quân theo chỉ tiêu biên chế sang đặt hàng tương ứng với quy mô học sinh của từng cơ sở giáo dục.
Thứ tư, hoàn thiện việc phê duyệt Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ mức độ tự chủ về tài chính và số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập và quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trong việc thực hiện Đề án tự chủ theo quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; có cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục để giảm tải đối với khu vực công.
Thứ năm, chỉ đạo người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc hợp đồng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có cơ sở giáo dục phổ thông công lập) theo Đề án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập khi được ban hành.
Khi thành phố Hải Phòng chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp nêu trên, sẽ tạo điều kiện cho thành phố vừa thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế vừa cơ cấu lại được số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về định mức số lượng người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Hiện nay, Bộ giáo dục và Đào tạo đang tiến hành lấy ý kiến để sửa đổi Thông tư về quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo dục phổ thông công lập.