Nguyên nhân chủ yếu khiến thầy, cô bỏ việc là do lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều. Giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh.
Vì vậy một số địa phương đề ra chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được giáo viên vì không có nguồn hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác vì có thu nhập cao hơn.
CỨ 100 NHÀ GIÁO THÌ MỘT NGƯỜI RA KHỎI NGÀNH
Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021 - 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.
Như vậy, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Con số này chiếm khoảng 1% lực lượng nhà giáo nói chung (gồm cả công và tư). Tỷ lệ nghỉ việc này được cho là cao nhất trong lịch sử ngành giáo dục.
Cụ thể, cấp mầm non có 6.391 giáo viên nghỉ, chuyển việc; trong đó, công lập 2.503 giáo viên, ngoài công lập 3.888 giáo viên. Tiểu học có 4.493 giáo viên, trong đó, công lập 3.851, ngoài công lập 642. Trung học cơ sở có 3.425 giáo viên; công lập 3.110, ngoài công lập 315. Trung học phổ thông có 1.956 giáo viên; công lập 943, ngoài công lập 1.013.
Một điều đáng ngạc nhiên, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi tham gia giải trình trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đã chỉ rõ nguyên nhân là ở những địa phương này, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn (giáo viên nghỉ việc sẽ chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc làm việc ở các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn). Còn một số ít địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Gia Lai, Sơn La,... số giáo viên nghỉ việc nhiều hơn các địa phương khác.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, đây là nguyên nhân dẫn đến giáo viên ở các cơ sở này phải tìm kiếm việc làm khác.
Một số giáo viên mầm non không phải người địa phương trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại. Còn đối với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã phân tích: Giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe) khá cao.
Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Mặt khác, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên.
Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn. Mặc dù trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã quyết liệt trong việc đổi mới cơ chế quản lý, nhưng sự thay đổi trong một số trường còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Điều này cũng gây ra những áp lực cho giáo viên như phân công nhiệm vụ chưa hợp lý, thiếu khoa học, tổ chức quản lý thiếu dân chủ, nặng về áp đặt, mệnh lệnh từ trên xuống dưới... Từ đó ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, hạn chế sự sáng tạo của giáo viên.
Đồng thời, tác động của nền kinh tế thị trường và nhu cầu của giáo viên tăng. Người có năng lực tốt sẽ có xu hướng tìm đến những nơi có điều kiện tốt hơn để tìm cơ hội thăng tiến. Một số giáo viên chấp nhận bỏ nghề, đi học lại để tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
TĂNG LƯƠNG, PHỤ CẤP: ĐÒN BẨY NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Hiện nay, mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng (tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%). Sau khi dạy 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong 2-3 năm đầu.
Đối với giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn thì được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) sau 5 năm công tác, tiền lương có thể đạt 6 triệu đồng 1 tháng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó chưa tương xứng với công sức.
Ở khía cạnh khác, dù 1% giáo viên vì nhiều lý do khác nhau bỏ nghề, giảm niềm tin hoặc có cái nhìn ảm đạm về nghề giáo. 99% nhà giáo trên khắp cả nước vẫn đang bám trường, bám lớp cùng học sinh. Số đông vẫn đang khắc phục khó khăn, đảm bảo việc dạy và học cùng các hoạt động của nhà trường. Còn đại bộ phận vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, đổi mới, tự đổi mới, đương đầu với thách thức và yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học và kiểm tra đánh giá…
Tuy nhiên, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cũng cảnh báo nhiều điều, cần quan tâm hơn tới nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học, đảm bảo hài hòa lợi ích đội ngũ giáo viên cả hệ thống công và tư, trong đó có đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.
Việc ưu tiên xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên là cần thiết, để những người thầy không còn phải tính toán chi ly, co kéo đồng lương eo hẹp cho hàng chục khoản chi mỗi tháng; toàn tâm toàn ý, yên tâm giảng dạy kiến thức cho học sinh.
Ngoài ra, lương và phụ cấp giáo viên tăng thêm cũng là động lực thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời, khi khối công lập tăng lương, sẽ là đòn bẩy, kích thích khối tư thục quan tâm hơn đến đời sống của thầy cô giáo và đầu tư cho con người.
Mới đây tại Quốc hội, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo đã đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh, phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo. Tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của giáo viên cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Họ được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học...
Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, để cải thiện đời sống, nâng lương cho một bộ phận chiếm hơn 70% viên chức cả nước sẽ phải từng bước cải thiện dần. Tuy nhiên, trong chừng mực có thể, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ chính là nguồn động viên đối với lực lượng nhà giáo.
Tại Nghị quyết 143/CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai tuyển dụng số giáo viên được Bộ Chính trị quyết định cho địa phương năm học 2022 - 2023; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo viên.
Trong khi chờ cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc nâng lương, phụ cấp cho nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy trách nhiệm và sứ mệnh” trồng người” của người thầy.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48 phát hành ngày 28-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam