May 30, 2021 | 23:14 GMT+7

Giãn cách xã hội, siêu thị TP.HCM tiếp đầy hàng hoá xuyên đêm

Vũ Khuê -

Hàng hoá thiết yếu trong các hệ thống siêu thị tại TP.HCM vẫn dồi dào, không có tình trạng thiếu hàng, đứt gẫy chuỗi cung ứng...

Nguồn cung hàng hóa luôn dồi dào.
Nguồn cung hàng hóa luôn dồi dào.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tối ngày 30/5, Bộ Công Thương phát đi văn bản chỉ đạo sở công thương các tỉnh thành phố, trong đó có TP.HCM, chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường.

TĂNG CƯỜNG NGUỒN CUNG HÀNG HOÁ THIẾT YẾU

Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn của thị trường khi cần thiết.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương với phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng", Sở Công Thương TP.HCM đã xây dựng Kế hoạch bảo đảm cân đối cung-cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.

 
Hiện Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương TP.HCM để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, đến thời điểm hiện nay, tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố vẫn tương đối tốt, giá cả hàng hóa không có biến động lớn.

"Sở đã có kế hoạch đảm bảo cân đối cung – cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn", Phó Giám đốc Sở Công Thương TP,HCM Nguyễn Nguyên Phương thông tin.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân trên địa bàn Thành phố trong thời gian giãncách.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường (chiếm 30% - 40% thị phần) và các doanh nghiệp khác (10% - 20% thị phần) cung ứng mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường tạo nguồn nguyên liệu, chủ động đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất từ 50% - 100% sản lượng.

Các hệ thống phân phối trên địa bàn có kế hoạch, phương án tăng cường dự trữ hàng hóa tăng từ 02 - 03 lần, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân trên địa bàn Thành phố.

Các chợ đầu mối xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường nhập hàng, bình quân lượng hàng nhập đạt 7.000 tấn/đêm, cao điểm có thể tăng khoảng 50% - 80% so với ngày thường, đạt từ 13.000 - 17.000 tấn/đêm.

SIÊU THỊ PHỤC VỤ TẠI CHỖ TRONG SUỐT THỜI GIAN GIÃN CÁCH

Theo  ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, tại thời điểm vừa có thông tin giãn cách chiều 30/5, xuất hiện cục bộ tại một số siêu thị VinMart tình trạng người dân đổ xô đi mua sắm thực phẩm, hàng hoá, dẫn đến hàng hoá, đặc biệt là các thực phẩm thiết yếu bị trống kệ trong chốc lát.

"Do đó, VinMart đã nhanh chóng tăng cường đẩy hàng hoá lên quầy kệ liên tục. Cũng như tăng cường số lượng nhân viên hỗ trợ lên gấp đôi đảm bảo hàng hoá luôn đầy ắp, giúp khách hàng mua sắm đầy đủ nhu cầu", đại  diện VinMart miền Nam cho biết.

Đại diện VinMart cũng khẳng định: VinCommerce luôn có những kịch bản kinh doanh để ứng phó với mọi tình huống phức tạp của dịch bệnh. Về hàng hoá, ngay sau làn sóng dịch đầu tiên năm 2020, siêu thị đã chủ động làm việc, tăng cường kết nối với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo hàng hoá cung ứng liên tục, đồng thời sản lượng dự phóng trong lúc dịch bệnh bùng phát luôn đủ cho 3 - 6 tháng.

Về phân phối, VinMart làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các ban chỉ đạo phòng chống dịch để đảm bảo các xe trung chuyển hàng hoá thiết yếu được di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc từ kho của VinMart đến các địa điểm bị phong toả, cách ly. Không xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng cục bộ tại bất kỳ cơ sở nào.

 
VinMart làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các ban chỉ đạo phòng chống dịch để đảm bảo các xe trung chuyển hàng hoá thiết yếu được di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc từ kho của VinMart đến các địa điểm bị phong toả, cách ly. Không xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng cục bộ tại bất kỳ cơ sở nào.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam

Ngoài ra, đại diện Saigon Co.op trấn an: người dân an tâm, bình tĩnh không lo thiếu hàng. Siêu thị tăng cường thêm hàng hoá từ các nguồn cung và trung tâm phân phối. Lãnh đạo Sài Gòn Co.op cho biết thêm, siêu thị sẽ tăng thêm giờ phục vụ khách hàng. Các siêu thị sẽ tiếp tục đầy hàng hóa trong đêm và sáng mai.

Các Co.op sẽ chủ động liên lạc với các chốt, các điểm cách ly để phục vụ tại chỗ trong suốt thời gian cách ly. Bên cạnh đó, các kênh bán hàng sẽ được mở tối đa phục vụ bà con, thông tin trên các phương tiện đại chúng và trang thông tin chính thức của Co.op.

Một số điểm bán của Co.op nghi ngờ có F0, F1 mua sắm (không tránh khỏi) được thực hiện rà soát cặn kẽ, tiến hành các bước triển khai theo đúng quy trình, thông tin minh bạch với quý khách hàng để cùng phòng chống lây lan dịch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate