Khó khăn lớn nhất mà dự án metro số 1 đang đối mặt là những công việc tại gói thầu số 3, do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) từ chối thực hiện.
Gói thầu số 3 là gói thầu đào tạo, bồi dưỡng, bảo trì và phối hợp tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống. Theo Ban quản lý Dự án Đường sắt đô thịTP.HCM (MAUR), ở gói thầu số 3 này, nhà thầu đã thiếu hợp tác, cụ thể là từ chối thực hiện các công việc của gói thầu này.
Ngoài ra, việc phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thi công cầu bộ hành các nhà ga trên cao thuộc gói thầu số 2 cũng gặp khó khăn.
Các vướng mắc liên quan đến khoản vay số 3 và số 4 với Chính phủ Nhật Bản. Cụ thể, khoản vay số 4 dự kiến nhanh nhất cũng phải tới quý 3/2023 mới có thể hoàn thành ký kết. Trong khi đó, chi phí hiện tại được phân bổ trong thỏa thuận vay VN15-P5 ngày 28/5/2016 thuộc khoản vay số 3, không đủ để thanh toán cho các hồ sơ thanh toán của các nhà thầu chính.
Khi các khoản vay còn gặp vướng, chưa thể giải ngân sớm hơn thì các công việc liên quan đến gói thầu số 3 do nhà thầu Hitachi thực hiện cũng từ chối tiếp tục triển khai. MAUR cho biết điều này gây khó khăn chung, ảnh hưởng và thách thức tiến độ dự án.
Ngoài ra, cũng theo MAUR, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là một trong các dự án metro đầu tiên ở Việt Nam. Phía Việt Nam hầu như chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai. Vì vậy, mọi việc từ lập dự án đến hoàn thiện hợp đồng, giám sát thi công đều do tư vấn Nhật Bản thực hiện; riêng về khâu thi công, các nhà thầu Nhật Bản đảm trách. “Việc các nhà thầu và tư vấn Nhật Bản liên tục lạm dụng các điểm vênh, chưa hoàn thiện trong hợp đồng để làm ảnh hưởng tiến độ là thái độ thực hiện dự án chưa đúng đắn, nhất là trong bối cảnh cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành”, đại diện MAUR, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban, cho hay.
Dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao với 14 nhà ga, 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, có tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).
Dự án được chính thức khởi công vào năm 2021. Sau thời gian dài thi công, dự án được tổ chức chạy thử nghiệm với cự ly gần 9 km, từ depot Suối Tiên đến ga Bình Thái. Theo kế hoạch, dự án sẽ được chạy thử nghiệm toàn tuyến vào quý 3 năm nay và khai thác thử toàn tuyến vào cuối năm 2023.
Được biết, việc đào tạo cho nhân viên vận hành (thuộc gói thầu số 3) phải hoàn thành vào tháng 12/2023. Từ giữa tháng 3/2023, MAUR, Liên danh nhà thầu NJPT phối hợp cùng Công ty HURC1 và Trường Cao đẳng Đường sắt đã tổ chức khai giảng lớp Kỹ thuật viên điều độ có nhiệm vụ phụ trách công tác giám sát và điều khiển tàu. Lớp học gồm 19 học viên và lớp Quản lý nhà ga gồm 9 học viên.