Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa trình UBND TP. Hà Nội Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. So với nội dung dự kiến trước đó, tại kỳ họp chuyên đề Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội khóa XVI (kỳ họp thứ 16) nhiệm kỳ 2021-2026 tới đây chưa xem xét thông qua đề án này.
Nhấn mạnh mục đích việc xây dựng Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, lãnh đạo MRB cho biết đề án nhằm tổng kết tình hình triển khai đầu tư hệ thống đường sắt đô thị thời gian qua và làm cơ sở để xuất định hướng phát triển, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù để đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội.
Đồng thời, hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu: "Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội vào năm 2035".
Sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô do MRB nghiên cứu lên tới 55,442 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030, Hà Nội sẽ đầu tư 96,9km với tổng mức đầu tư khoảng 16,208 tỷ USD.
Sau 14 năm khởi công, đặt viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng hệ thống metro, đến thời điểm này, Hà Nội đã đưa 13km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động và dự kiến đưa 8,5km đoạn trên cao tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội chạy thương mại từ năm 2024.
Như vậy, để thực hiện đề án này, trong vòng 6 năm tới đây, Hà Nội sẽ phải cấp tốc đưa vào khai thác thêm 96,9km đường sắt đô thị, nâng tổng số km đường sắt đô thị vận hành lên 109,8km (gồm 13km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành từ cuối năm 2021).
Về nhu cầu vốn, MRB cho biết đến năm 2030, thành phố cân đối được khoảng 11,570 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 16,208 tỷ USD và chưa cân đối được 4,638 tỷ USD. (Số vốn này không bao gồm tổng mức đầu tư của tuyến số 2A đang khai thác và phần vốn đã giải ngân cho Tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội đang thi công xây dựng).
"Ngân sách trung ương cân đối, bố trí vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách của TP. Hà Nội trong các kỳ trung hạn 2026-2030 là 5,52 tỷ USD để đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô", MRB đề xuất.
Tại tờ trình này, MRB cũng đề xuất phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn. Trước mắt, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ tổ chức thi công xây dựng Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đồng thời, triển khai công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Hoàn thành xây dựng, trình ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách, đặc thù cho đường sắt đô thị nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng đồng loạt cho đường sắt đô thị nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng đồng loạt.
Đến năm 2030, về hạ tầng: hoàn thành thi công xây dựng 96,9km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm (gồm Tuyến số 2 gồm ba đoạn: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Nội Bài - Nam Thăng Long; hai đoạn Tuyến số 3 gồm: đoạn Nhổn - ga Hà Nội và đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai); Tuyến số 5 Văn Cao - Hoà Lạc).
Sơ bộ diện tích sử dụng đất đến năm 2030 khoảng 196ha. Về phương tiện, thiết bị: khoảng 680 toa xe. Về năng lực vận tải, đến năm 2030, đường sắt đô thị đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng.
Đồng thời, đến năm 2030 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301,0km (gồm Tuyến số 1, Tuyến số 2A kéo dài đến Xuân Mai, Tuyến số 4, Tuyến số 6, Tuyến 7, Tuyến số 8, Tuyến vệ tinh: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai).
MRB kỳ vọng đến năm 2030 phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8km/397,8km (chiếm 24%) các tuyến còn lại đến thời điểm hiện tại của mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô. Đồng thời, triển khai công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai thi công xây dụng các tuyến đường sắt đô thị có lộ trình đầu tư trước năm 2035.
Khi đó, đến năm 2035 sẽ hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) như mục tiêu do Bộ Chính trị đặt ra. Đến năm 2045, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị dự kiến bổ sung thêm theo quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh.
MRB cũng đề xuất cơ chế, chính sách "vượt trội", "đột phá” để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư nhằm hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội vào năm 2035 theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị.
Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cập nhật theo Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, TP. Hà Nội có tổng số 15 tuyến.
Cụ thể: 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 gồm: Tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; số 2 Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi; số 2A Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai; số 3 Trôi - Nhổn - Yên Sở; số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; số 5 Văn Cao - Hòa Lạc; số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi; số 7 Hà Đông - Mê Linh; số 8 Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá và tuyến 9 Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.
10 tuyến này có tổng chiều dài 417km, trong đó đường trên cao 342km, đi ngầm 75km.
Ngoài việc tiếp tục triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 nêu trên, Hà Nội cũng bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân.
Thành phố cũng sẽ xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối khu vực phố cổ; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để phối hợp Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.