May 06, 2021 | 18:29 GMT+7

Hải Dương đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử

Hương Loan -

Trước ngày 18/5 sẽ đưa 5-10 sản phẩm của tỉnh Hải Dương gồm vải thiều và các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên sàn thương mại điện tử...

Niên vụ vải năm 2021, Hải Dương có trên 9.100 ha vải với sản lượng ước khoảng 55.000 tấn
Niên vụ vải năm 2021, Hải Dương có trên 9.100 ha vải với sản lượng ước khoảng 55.000 tấn

Trong bối cảnh dịch Covid -19, cũng như ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 nở rộ, Hải Dương phấn đấu trước ngày 18/5 sẽ đưa 5-10 sản phẩm gồm vải thiều và các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên sàn thương mại điện tử.

Đây là năm đầu tiên, quả vải Hải Dương được bán trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn.

Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết niên vụ vải năm 2021, Hải Dương có trên 9.100 ha vải với sản lượng ước khoảng 55.000 tấn.

Dự kiến, 50% sản lượng vải của tỉnh (trong đó chủ yếu vải sớm) sẽ xuất khẩu Trung Quốc, 40% thị trường trong nước và khoảng 5-7% xuất khẩu đi các thị trường khó tính (Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore….) và 5% phục vụ chế biến.

Tuy nhiên, để đưa được sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không hề dễ, gặp phải khá nhiều thách thức. Bởi theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử. Thiếu cán bộ hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing...

Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm…

Trước những bất cập này, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương triển khai tập huấn, nhằm hỗ trợ đầu ra hiệu quả cho các sản phẩm nông sản có tiềm năng của tỉnh.

Riêng trong tháng 5/2021, Cục sẽ hỗ trợ kỹ thuật, triển khai chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm quả vải của Hải Dương ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu theo các kênh kết nối trực tiếp và trực tuyến.

Hai nội dung chính của khóa huấn luyện được nhóm giảng viên tập trung hướng dẫn đó là cách hiểu đúng để triển khai hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã từng bước tham gia các sàn thương mại điện tử.

“Đặc biệt, các quy trình quản lý kỹ thuật cần được nâng cao hơn nữa. Nhận thức của người sản xuất về thị trường và các yêu cầu thực tế liên quan đến chất lượng cần tiếp tục được củng cố. Chỉ khi doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ những nội dung này, việc kinh doanh thương mại điện tử mới có thể thành công”, bà Thuý nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate